Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Doanh nghiệp mong mỏi gói hỗ trợ thứ hai
  • 29/06/2021

Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng cao đã cho thấy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch thời gian qua chưa đủ liều lượng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc  (Ảnh TTXVN)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhiều doanh nghiệp “rời cuộc chơi”

Năm 2020, lần đầu tiên, Việt Nam có trên 100.000 doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoặc tạm hoạt động. “Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn chưa từng thấy, dù Chính phủ đã rất nỗ lực thực hiện nhiều chính sách tiền tệ, tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Nhiều khả năng năm 2021, số doanh nghiệp “rời cuộc chơi” tiếp tục tăng cao, vì trong 5 tháng đầu năm, đã có trên 59.820 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 59% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2020.

Gói hỗ trợ thứ hai phải công bằng, thiết thực hơn

Gói hỗ trợ thứ nhất triển khai từ năm 2020 vẫn tiếp tục được thực hiện. Còn gói hỗ trợ thứ hai mới chỉ được các cơ quan hoạch định chính sách bàn bạc. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh nhiều chưa từng có, thì nhất thiết phải có gói hỗ trợ thứ hai.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào GDP, lúc này, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, quyết liệt hơn và thực sự trở nên khẩn cấp hơn rất nhiều. Các chuyên gia cho rằng, gói hỗ trợ thứ hai phải được thiết kế công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng và thiết thực hơn.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội là một trong 2 địa phương có số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều nhất. Để cứu doanh nghiệp, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, ngoài các giải pháp, chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, Hà Nội còn thực hiện các gói hỗ trợ riêng với mục tiêu giúp doanh nghiệp “cầm cự” qua giai đoạn khó khăn này.

“Doanh nghiệp lớn tạo việc làm cho cả ngàn lao động, thậm chí lên tới hàng chục ngàn lao động, tạo ra cả chuỗi cung ứng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất lớn, nên ngoài chính sách hỗ trợ chung, cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn vì khi doanh nghiệp lớn phát triển, sẽ kéo theo doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Quân đề xuất.

Doanh nghiệp lớn cần gói hỗ trợ chính sách

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8%. Vì vậy, nếu không sớm có gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Doanh nghiệp lớn tạo việc làm cho cả ngàn lao động, thậm chí lên tới hàng chục ngàn lao động, tạo ra cả chuỗi cung ứng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất lớn, nên ngoài chính sách hỗ trợ chung, cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn vì khi doanh nghiệp lớn phát triển, sẽ kéo theo doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse khẳng định, cũng như nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác, Sunhouse không muốn nhận gói hỗ trợ có thể “quy được thành tiền”, mà muốn nhận gói hỗ trợ chính sách.

Theo ông Phú, cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp quy mô lớn, đóng góp vào ngân sách nhà nước chiếm 60-70% thì không thể áp dụng gói hỗ trợ chung cho tất cả các doanh nghiệp, mà cần phải có gói hỗ trợ khác, ngân sách nhà nước không mất tiền nhưng hiệu quả hơn rất nhiều.

“Chúng tôi xin nhường các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ mong nhận được gói hỗ trợ về cơ chế làm sao thông thoáng hơn, quy trình thủ tục đơn giản hơn, nhanh gọn hơn để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, vì Covid-19 đã và đang tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều doanh nghiệp”, ông Phú nói.

Ông Phú đề xuất: “Cả nước chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp quy mô lớn, các cơ quan quản lý nhà nước nắm rất chắc từng doanh nghiệp, vì vậy, cần phải cử công chức, viên chức, chuyên gia đến từng doanh nghiệp để tìm hiểu xem doanh nghiệp cần hỗ trợ những chính sách gì thì hỗ trợ ngay, vì mỗi doanh nghiệp có khó khăn riêng, không ai giống ai”, ông Phú đề xuất.

Cũng là doanh nghiệp có quy mô lớn, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho rằng, gói hỗ trợ “đại trà” hiện nay chưa đủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mặc dù rất nhiều lĩnh vực có cơ hội tăng tốc do cầu hàng hóa trên thị trường thế giới tăng trở lại.

Ông Việt cho biết, nếu như năm 2020, May 10 cũng như ngành may mặc đứt cả đầu ra lẫn đầu vào thì năm 2021 “quay ngoắt 180 độ”, đơn hàng xuất khẩu làm không hết. “Khoảng 90% sản phẩm của May 10 là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, đơn hàng đã có đủ đến cuối năm, nhưng nếu không có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thu hút lao động, giữ chân người lao động, bảo vệ được người lao động khỏi lây nhiễm dịch bệnh, thì khó có thể giữ được đơn hàng”, ông Việt lo lắng.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần gói hỗ trợ cơ chế

Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 đang tăng hàng ngày, nhưng Việt Nam vẫn được coi là một trong những quốc gia “chống chọi” với dịch bệnh thành công nhất thế giới. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới khi những nguồn cung lớn của thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar... đang quay cuồng với dịch bệnh. Vì vậy, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội hiện tại không còn phù hợp với doanh nghiệp có quy mô lớn, mà cần phải thêm gói hỗ trợ khác nữa, đó là gói hỗ trợ chính sách.

“Dịch bệnh không chỉ thay đổi thị trường hàng hóa, dịch vụ truyền thống, mà còn thay đổi cả thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam gia tăng thu hút FDI. Muốn vậy, việc chống dịch hiệu quả và nhiều cơ chế, chính sách hiện hành chưa đáp ứng đủ, mà cần phải có những cơ chế, chính sách mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Đây mới là gói hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế đạt được được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên trong năm nay và nhiều năm sau nữa”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh đã làm thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược về hình thành trung tâm sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Điều này đã tác động rất lớn đến chính sách thu hút FDI của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Phương, gói hỗ trợ với doanh nghiệp FDI không thể “đồng hạng” như doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phải có chính sách, cơ chế đột phá. “Chúng ta không thể tổ chức các cuộc roadshow, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài kiểu truyền thống. Vậy làm thế nào để nhà đầu tư thậm chí không cần đến Việt Nam vẫn mạnh dạn đầu tư một lượng tiền lớn vào Việt Nam và hoàn toàn tin tưởng đồng vốn của họ được bảo toàn và sinh sôi nảy nở. Muốn vậy phải tiếp tục có gói hỗ trợ thứ hai, đó là hỗ trợ chính sách, cơ chế”, ông Phương nhấn mạnh.

Quốc hội xem xét ban hành chính sách hỗ trợ mới

Ngày 13/6 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, một số cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 09 Nghị quyết, văn bản tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19 và nhiều chính sách mang tính chất trực tiếp và gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chi phí cho các đối tượng.

Bên cạnh đó, Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có nhiều hoạt động, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp để giảm thiểu khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch.

Việc ban hành các chính sách đã góp phần khắc phục khó khăn trong đời sống nhân dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là các chính sách về giảm, giãn, hoàn thuế.

Cụ thể cả nước đã gia hạn 99,2 nghìn tỷ đồng tiến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với 57 nghìn hộ kinh doanh và tiền thuê đất cho 128,6 nghìn doanh nghiệp. Gia hạn 19,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2020 đối với xe ô tô. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế đã kịp thời giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, bảo đảm cho tăng trưởng và nguồn thu cho các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.

Để góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế- xã hội nói chung và chính sách hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng vì Covid-19 nói riêng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm có kịch bản tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số và kích cầu nội địa; không chủ quan với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, tiếp tục tăng cường phối hợp hiệu quả trong điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, quan tâm kiểm soát bong bóng tài sản; nhanh chóng triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống.

Nguồn:  Tổng hợp theo báo Đầu tư online

 

 

Tin tức liên quan