Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giãn thời gian thực hiện các quy định, giảm nặng gánh cho các doanh nghiệp vận tải đang dần kiệt quệ...
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 5547/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.
Cụ thể, theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương sớm hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải nhất là vận chuyển công nhân giữa nơi ở và cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.
Đồng thời, xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2021.
Trước đó, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên 40 tỉnh, thành phố, nhiều doanh nghiệp vận tải có nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm, khiến hàng loạt Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa tại các địa phương có dịch Covid-19...
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ đã ban hành công văn số 2911/BGTVT-VT về việc các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Giao thông vận tải tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa. Áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021.
Đồng thời, cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về thực hiện niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 03 năm so với thời gian thực hiện quy định tại Điều 19 của nghị định. Bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt thuộc danh mục được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Sớm phê duyệt 2 Đề án “Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư” để triển khai Nghị định số 46/2018/NĐ-CP; Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để làm cơ sở cho Tổng công ty triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả...
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cùng quan tâm, thống nhất được các quy định, quy trình đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.
Bộ Giao thông vận tải cũng vừa ban hành công văn số 5521/BGTVTVT đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, trong thời gian tới, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ theo đề nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam. Do các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc triển khai lắp đặt camera trên phương tiện của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được tiến độ phải hoàn thành xong trước 1/7/2021.
Theo Anh Tú
Vneconomy