Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Hội thảo quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu các ngành hàng của Việt Nam
  • 01/08/2014

Đánh giá tiềm năng xuất khẩu Việt Nam là một trong những hoạt động trọng điểm của Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống hỗ trợ thương mại địa phương” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ hỗ trợ và Cục Xúc tiến thương mại thực hiện. Mục đích của hoạt động này nhằm phân tích, tổng hợp tiềm năng của các ngành hàng xuất khẩu để từ đó lựa chọn và đề xuất những hướng đi, giải pháp cần thực hiện để đưa những tiềm năng xuất khẩu trở thành hiện thực.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội thảo

Việc đánh giá tiềm năng xuất khẩu dựa trên ba chỉ số tổng hợp, bao gồm:

-       Tình hình xuất khẩu hiện tại

-       Khả năng cung ứng nội địa

-       Giá trị nhập khẩu của thế giới

 

Theo đó, tiềm năng xuất khẩu đối với ngành da giày Việt Nam được đánh giá ở mức độ cao. Ngành da giày hiện là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 sau điện tử và dệt may, kim ngạch năm 2013 đạt 10,3 tỷ USD, giải quyết việc làm chon gần 1 triệu lao động. Hơn 70% các công ty Việt Nam tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu dưới hình thức gia công  với nguyên liệu thô và phụ kiện do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cung cấp. Do hạn chế về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, tay nghề kỹ thuật và phụ thuộc về mẫu mã và nguyên phụ liệu nhập khẩu nên vị thế của các doanh nghiệp da giày rất hạn chế. Các FTAs được coi là mang lại cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu, tuy nhiên đối tượng hưởng lợi chủ yếu và trước mắt là các doanh nghiệp FDI. Tương tự như ngành dệt may, các giải pháp ưu tiên là nâng cao năng lực quản lý sản xuất, năng lực thiết kế, khả năng đáp ứng các yêu cầu thị trường đồng thời với các chính sách phát triển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu. Nhu cầu thế giới đối với ngành này ở mức tương đối cao.

 

Đánh giá năng lực đối với từng vùng miền, Miền Bắc có khoảng 19% doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng. Các doanh nghiệp Miền Bắc có tiềm năng cao ở mặt hàng giày vải, nhưng không có lợi thế ở mặt hàng giày da, giày cao su hoặc nhựa do nguyên phụ liệu da, cao su, nhựa không phát triển mạnh ở Miền Bắc.

 

Các doanh nghiệp giày da tại Tây Nam Bộ chủ yếu là gia công xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu của Vùng năm 2012 đạt 904 triệu USD, tương đương 12,5% giá trị xuất khẩu giày da của cả nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của ngành rất cao (56% giai đoạn 2008-2012). Ưu thế của vùng là có lực lượng lao động tại chỗ dồi dào và chi phí thuê đất rẻ và ưu đãi. Ngành giày da góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương và bình đẳng giới do sử dụng nhiều lao động nữ. Theo tình trạng chung của cả nước, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành chưa phát triển, nhưng để đón đầu các FTAs và ưu đãi GSP mà Việt Nam được hưởng, hiện các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng đầu tư vào ngành phụ trợ hoặc tìm kiếm các doanh nghiệp nhỏ để mua hoặc sát nhập. Vùng Tây Nam Bộ còn được chính phủ quy hoạch là một trong 4 vùng sản xuất xuất khẩu da giày của cả nước. Tiềm năng của ngành ở khu vực này được đánh giá là cao.

 

Để đưa tiềm năng các ngành hàng thành hiện thực, nhiều vấn đề cần tiếp tục được thực hiện. Thứ nhất, cần có nghiên cứu cụ thể và thể chế chính sách liên quan đến sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ có tiềm năng cao do báo cáo này đã nêu, đồng thời xem xét về cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại hiện nay để xác định những điểm yếu cần điều chỉnh. Thứ hai, trên cơ sở những thông tin về tiềm năng xuất khẩu và nghiên cứu thể chế, tiến hành xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho từng vùng.

Tin tức liên quan