Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Phát triển ngành da giày: Chú trọng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
  • 22/07/2014

“Mặc dù Việt Nam đã lọt vào top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày, đứng thứ 2 xuất khẩu vào thị trường khó tính Hoa Kỳ nhưng phát triển ngành da giày Việt Nam vẫn còn tồn tại những yếu tố chưa bền vững…" là thông tin được ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đưa ra tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2014 - Triển vọng kinh doanh ngành da giày, dệt may" do VCCI - HCM phối hợp với Lefaso tổ chức.

 

Phân tích về những yếu tố chưa bền vững này, ông Kiệt cho biết hiện tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày mới chỉ chiếm 40 - 45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày), trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Không chỉ thiếu nguyên liệu, ngành còn thiếu năng lực kỹ thuật và thiết kế trong nước để xây dựng thương hiệu độc lập và các dây chuyền sản phẩm; phần lớn công nghệ và phương thức sản xuất giày ở Việt Nam đều do các công ty sản xuất thiết bị ban đầu của nước ngoài sở hữu thực hiện. Bên cạnh đó mặc dù chi phí lao động thấp nhưng đại bộ phận công nhân trong ngành đều có tay nghề, kiến thức chuyên môn kém, năng suất lao động tương đối thấp.

 

Thêm một “nút thắt” nữa là ngành da giày xuất khẩu Việt Nam hiện chỉ mới mạnh nhất ở phân khúc tổ chức sản xuất gồm dây chuyền sản xuất, nguồn nhân lực và công nghệ tổ chức sản xuất. Ông Kiệt nhấn mạnh: "Nếu không thể gia tăng giá trị và sản lượng ở 3 phân khúc còn lại (thiết kế, nghiên cứu tạo sản phẩm mới; tạo năng lực sản xuất; phân phối sản phẩm) thì sau 5 năm nữa ngành da giày Việt Nam sẽ không thể tăng trưởng được”.

 

Khó khăn, thách thức là vậy nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế có mặt tại Hội thảo, cơ hội cho ngành da giày cũng không phải nhỏ, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết vào cuối năm nay; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU và giữa Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan cũng đang trong giai đoạn đàm phán. Bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI cho biết sản phẩm da giày Việt Nam có khả năng cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác và hiện đã hiện diện tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, EU, Nhật. Thêm vào đó, mức tiêu thụ lớn với chất lượng ngày càng cao của ngành hàng này cũng đã đủ để bảo đảm đầu ra cho các vật tư chiến lược.

 

Ngoài ra theo ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), đón đầu cơ hội mở rộng thị trường khi Việt Nam chính thức kí kết các Hiệp định thương mại tự do, hiện đã có nhiều nhà đầu tư của các nước xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất ngành phụ trợ cho ngành giày dép tại Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng tươi sáng đối với sự phát triển của ngành hàng này. Ông Dũng khẳng định: "Dù chưa ồ ạt nhưng với kinh nghiệm tích lũy và tiềm lực tài chính mạnh, hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang ráo riết triển khai nhanh các dự án đầu tư để sớm thụ hưởng các ưu đãi cũng như tăng thu lợi nhuận".

 

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tần nhìn 2025, da giày sẽ trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế, phấn đấu giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 9,4%; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,8%; nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt từ 60 - 65% vào năm 2015 và đạt 75 - 80% vào năm 2020.

 

Theo Vietnam Business Forum.

Tin tức liên quan