Thông tin nói trên đưa ra tại Hội thảo "Hai năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp" do VCCI tổ chức.
Cụ thể, năm 2019 xuất khẩu hàng hóa sang Mexico đạt 2,83tỷ USD, tăng 26% so với 2018; sang năm 2020 đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%...
Tương tự, xuất khẩu sang thị trường Canada đạt 3,91 tỷ USD, tăng 29%, và tăng lên 4,4 tỷ USD, tăng 12% trong năm 2020 (cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung 7%).
Những con số trên khẳng định, CPTPP đã mở đường rộng cho hàngViệt sang Bắc Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng.
Canada cũng là thị trường có tỷ lệ DN từng tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP cao nhất với 50% DN từng xuất nhập khẩu với CPTPP có ít nhất 1 lô hàng xuất/nhập khẩu được hưởng lợi từ cam kết này.Với Mexico, tỷ lệ DN hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP là 26%.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, là ngành xuất khẩu tới 90%, CPTPP đã mở ra cơ hội thị trường mới, thu hút đầutư, cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày Việt Nam. Kể cả khi Mỹ rút khỏi FTA này thì sức ảnh hưởng từ Hiệp định trong việc kéo các nhà đầu tư đếnViệt Nam từ trước đó vẫn tích cực, giúp đưa tỷ lệ nội địa hóa của ngành từ 30% đạt trên 50%.
Bà Xuân cũng cho hay, tỷ trọng xuất khẩu da giày sang các nước khối CPTPP đã tăng 13% so với trước đây. Canada và Mexico là hai thị trường mới mà ngành da giầy tiếp cận được sau khi CPTPP có hiệu lực, đồng thời gia tăng được tỷ lệ đơn hàng được ký trực tiếp thay vì phải qua trung gian như trước đây.
“Năm 2019 xuất khẩu sang 6 nước đã phê chuẩn CPTPP (Mexico, Canada, Australia, New Zealand, Singapore và Nhật Bản) đạt 34,3tỷ USD tăng 8,1%. Năm 2020, xuất khẩu sang 6 nước này duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Tỷ trọng trong tổng xuất khẩu năm 2018 là 12,02%, năm 2019 là 13% và năm 2020 là 12,02%”.
Cũng như bất kỳ FTA nào khác, trong thực thi CPTPP, DN Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt tới các ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu nội khối.
Báo cáo 2 năm thực thi CPTPP của VCCI cho hay, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP để hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác.
Với các thị trường còn lại, tỷ lệ DN đã từng được hưởng ưu đãi CPTPP dao động từ 21-29%. Đây đều là các thị trường đã có chung với Việt Nam từ 1 đến 7 FTA trước CPTPP, do đó tỷ lệ các DN có lô hàng hưởng ưu đãi theo CPTPP thấp trong 2 năm qua cũng là điều được dự báo trước.
ÔngVũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, CPTPP là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, việc thực thi hiệp định khá vất vả bởi những yếu tố khách quan. Năm đầu tiên, DN xuất khẩu chịu tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, năm thứ hai lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
"Có thể nói ít hiệp định nào vất vả như CPTPP trong thực thi, doanh nghiệp phải đương đầu với khó khăn lớn, chưakể, đến nay mới chỉ có 6 quốc gia phê chuẩn hiệp định”, ông Lộc thông tin.
Ngoài 2 thị trường thuộc khu vực Bắc Mỹ có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 2 năm liên tiếp, Nhật Bản là thị trường có mối liên hệ chặt chẽ nhất với các DN Việt Nam trong CPTPP. 40% DN cho biết họ có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Nhật Bản, tiếp đó là nhóm Australia, Canada, New Zealand.
Đánh giá về tác động của CPTPP tới tăng trưởng xuất khẩu, bà Nguyễn Cẩm Trang,Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tổng thể có thể khẳng định, việc CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Nhưng vẫn cần thời gian dài hơi hơn để định lượng được tăng trưởng đến từ CPTPP đóng góp chung vào tổng kim ngạch xuất khẩu ra sao, tận dụng ưu đãi thuế quan thế nào, bởi những yếu tố khách quan về dịch bệnh và thương chiến Mỹ-Trung tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường của DN.
Nguồn : baodautu.vn