Ngay trước lễ Giáng sinh năm 2020, người dân và các doanh nghiệp từ cả hai bờ Kênh biển giữa nước Anh và các nước EU thở phào nhẹ nhõm vì một thỏa thuận BREXIT đã đạt được. Ngay lập tức, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến thủ tục mới để di chuyển hàng hóa giữa hai bên.
Cho đến ngày 31/12/2020, các quy tắc của Thị trường chung vẫn được áp dụng cho quan hệ thương mại giữa các nước EU và Vương quốc Anh. Điều này có nghĩa là tất cả hàng hóa lưu thông giữa nước Anh và EU đều được coi là hàng nội địa và không áp dụng biện pháp kiểm soát hay loại thuế đặc biệt nào.
Nhưng kể từ ngày 1/ 01/ 2021, Vương quốc Anh và EU ( cộng với Bắc Ireland ) được coi là hai khu vực hải quan độc lập và điều đó có tác động đến quan hệ thương mại giữa hai bên. Theo hiệp định thương mại tự do vừa ký giữa hai bên, sẽ không có thuế quan đối với hàng hóa hoặc giới hạn số lượng có thể được trao đổi (hạn ngạch) giữa Anh và EU. Mới nhìn có vẻ như tình hình vẫn giống như trước đây, tuy nhiên Vương quốc Anh hiện là quốc gia thứ ba (ngoài EU) và ngược lại, vì vậy sẽ áp dụng tất cả các thủ tục theo quy chế dành cho hai lãnh thổ độc lập.
Do đó, các biện pháp kiểm soát hàng hóa mới đã được áp dụng tại biên giới, chẳng hạn như kiểm tra an toàn và khai báo hải quan ( tờ khai xuất nhập khẩu là bắt buộc đối với tất cả hàng hóa qua biên giới). Các doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ cho các thủ tục tại cửa khẩu.
Tương tự như vậy, để tránh phải nộp thuế, doanh nghiệp phải tuân theo một loạt các thủ tục và các tài liệu cần phải được ban hành phù hợp. Nếu không thực hiện, các doanh nghiệp có thể phải đóng các khoản thuế nhập khẩu lẽ ra có thể tránh được và trên hết, có thể bị phạt. Các nhà nhập khẩu sẽ phải chứng minh được rằng hàng hóa đã được nhập( hoặc đã được xử lý đầy đủ ) từ phía bên kia và không phải nhập khẩu từ nước thứ ba. Nếu nhà nhập khẩu không chứng minh được xuất xứ của hàng hóa, sẽ bị áp thuế nhập khẩu như trường hợp nhập khẩu từ nước thứ ba.
Nếu doanh nghiệp có trụ sở tại Vương quốc Anh hoặc tại EU và muốn trao đổi hàng hóa với các khu vực bên kia, để tránh phải nộp thuế quan khi giao dịch sẽ phải cung cấp các tờ khai xuất xứ. Để lập tờ khai xuất xứ, nhà xuất khẩu phải biết các Quy tắc xuất xứ liên quan theo quy định trong hiệp định thương mại tự do giữa EU và V.Q. Anh, có nghĩa là họ sẽ phải nắm rõ các đặc điểm của quy trình sản xuất để đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng có thể được phân loại là có xuất xứ tại EU hoặc Vương quốc Anh.
Nguồn: World Footwear