Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • RCEP kéo theo thách thức về chuyển hướng thương mại
  • 23/02/2021

Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP) không phải toàn màu hồng cho Việt Nam, nên doanh nghiệp Việt phải chủ động nắm bắt cơ hội để thay đổi và cạnh tranh với các đối thủ trong khối.

 

RCEP gợi mở cho thế giới về một Việt Nam với tương lai tươi sáng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Tương lai tươi sáng cho Việt Nam”

Với nhà đầu tư “cắm rễ” tại thị trường Việt Nam từ những năm 2000 như Tập đoàn Kusto (Singapore), RCEP càng làm tăng lực hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các nhà đầu tư ngoại.

Lợi thế của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng, đặc biệt về cơ cấu dân số trẻ và năng động, được coi là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu giai đoạn tới. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á đạt mức kỷ lục 159 tỷ USD vào năm 2019. RCEP chắc chắn sẽ làm sâu sắc thêm các xu hướng đầu tư hiện nay và giúp khu vực tận dụng hết tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Talgat Turumbayev, đồng sáng lập Tập đoàn Kusto cho rằng, RCEP gợi mở cho thế giới về một Việt Nam với tương lai tươi sáng. Hiệp định này hàm chứa những điều tích cực cho Việt Nam và làm đậm nét hình ảnh Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

“Các quốc gia ASEAN vốn dĩ hưởng lợi từ những cam kết thương mại tự do với nhau, nay với sự xuất hiện của RCEP, các nước thành viên như Việt Nam và Indonesia sẽ có vai trò lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Talgat Turumbayev nói.

Cải thiện các tiêu chuẩn thương mại trong RCEP sẽ càng giúp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Kusto đánh giá, là một trong những cực tăng trưởng của khu vực, Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hưởng lợi từ việc đơn giản hóa thương mại nội khối và thủ tục hành chính khi RCEP có hiệu lực. Đặc biệt hơn, hiệp định này ước tính giúp GDP toàn cầu tăng thêm hơn 186 tỷ USD/năm vào năm 2030.

Cụ thể hơn, các nhà phân tích từ Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Tập đoàn Fitch cho rằng, các ngành hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ là đối tượng hưởng lợi lớn từ RCEP, như công nghệ thông tin, giày dép, nông nghiệp, ô tô và viễn thông. Khi Việt Nam vươn lên thành cường quốc sản xuất các mặt hàng công nghệ cao, RCEP tạo động lực giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực xuất khẩu, đồng thời thu hút hàng hóa chất lượng cao cho thị trường nội địa.

"Cải thiện các tiêu chuẩn thương mại trong RCEP sẽ càng giúp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài."

 

Đồng thời, từ việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan và quy tắc xuất xứ theo RCEP, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ tiếp cận thị trường RCEP một cách thuận lợi hơn, mở ra cơ hội để họ “lên đời” trong chuỗi giá trị.

Theo các điều khoản thỏa thuận thương mại trước kia, các nước thành viên ban hành các hướng dẫn về quy tắc xuất xứ hàng hóa khá phức tạp và phải trải qua kiểm tra kỹ lưỡng để được hưởng ưu đãi thuế quan. RCEP đã đơn giản hóa điều này. Theo đó, tất cả các nước thành viên sẽ được đối xử bình đẳng, tạo động lực để các nhà đầu tư tìm kiếm đối tác cung ứng trong nội khối.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ hưởng ưu đãi thuế quan lớn hơn khi đa dạng nguồn cung ứng nguyên vật liệu hay hàng hóa đầu vào từ các nước thành viên RCEP như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Thách thức từ chuyển hướng thương mại

Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng cảnh báo, khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn ngay cả ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng các cộng sự cho rằng, một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam là RCEP có thể dẫn đến nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc.

Bằng chứng là, theo hiệp định hiện nay, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản hưởng thuế ưu đãi khoảng 10%, trong khi mức thuế áp cho hàng dệt may Trung Quốc vào Nhật Bản là 15-20%. Còn với mặt hàng da giày, Nhật Bản áp thuế dưới 5% cho sản phẩm da giày của Việt Nam và 30% cho hàng nhập khẩu cùng loại từ Trung Quốc. Như vậy, với RCEP, Trung Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế tốt hơn trước và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam có thể tan biến.

Thêm vào đó, nhìn trong nội khối, doanh nghiệp Việt còn yếu nhiều mặt, cả về quy mô vốn, năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý, lao động. Nếu so với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp dệt may, sẽ ở thế bất lợi hơn nhiều, bởi doanh nghiệp Trung Quốc có thế mạnh sản xuất hàng loạt, giao hàng lượng lớn, giá thành rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Vấn đề đáng lo ngại nữa là ngành nông - thủy sản trong nước đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi RCEP. Trên thực tế, Trung Quốc, Australia và New Zealand xuất khẩu nhiều nông sản, trong khi các nước ASEAN lại có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực thủy sản.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với thách thức chuyển hướng thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc khi các quốc gia này mở cửa thị trường cho hàng Trung Quốc.

 

 Nguồn : baodautu.vn

Tin tức liên quan