Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Bộ trưởng Công Thương: Muốn đi trên 'cao tốc' hội nhập thuận lợi, cần nắm luật chơi
  • 22/02/2021

Hội nhập mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có những thách thức vì vậy, phải có kế hoạch thực hiện và cụ thể những đề án, nhất là trong tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.Việc mở cửa thị trường liên tục và sôi động đã tạo điều kiện cho quy mô của nền kinh tế, năng lực sản xuất của các ngành kinh tế được mở rộng liên tục.

“Để di chuyển trên hệ thống 'cao tốc' hội nhập thuận lợi, hiệu quả, chúng ta phải có hệ thống biển báo hướng dẫn, có quy định để tổ chức vận hành, có hệ thống hạ tầng, đường đi lối dẫn để kết nối. Đặc biệt, phải có sự đào tạo để những chủ thể ở đây là các doanh nghiệp có thể nắm được luật chơi', khai thác tốt, khai thác sớm đường cao tốc".

Đây là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trương ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với Báo Điện tử Chính phủ trong dịp đón xuân mới Tân Sửu 2021.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

- Tháng 4/2016, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, nhiệm kỳ này “Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển”. Và giai đoạn 5 năm 2016-2020, thế giới đã chứng kiến những bước tiến ngoạn mục của kinh tế Việt Nam, nhất là những thành tựu về xuất khẩu khi chúng ta luôn đạt con số năm sau cao hơn năm trước. Là người đứng đầu ngành công thương, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả chúng ta đã đạt được trong năm 2020 và 5 năm vừa qua?

- Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn chứng kiến rất nhiều nỗ lực chung của Chính phủ, nhất là vai trò chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc, đồng hành chung của tất cả các bộ, ngành.

Riêng với lĩnh vực công nghiệp, thương mại, tôi cho rằng, đây là giai đoạn chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu và tăng trưởng của xuất khẩu nói riêng luôn ở mức rất cao và thậm chí ở mức kỷ lục.

Kết thúc năm 2020, về cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 đều đạt được. Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra.

Theo đó, năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất, nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức hơn 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 1,6 lần từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517,7 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, vẫn đạt khoảng 543,9 tỷ USD.

Tôi cho rằng, đây là những kết quả có thể đủ sức gây ấn tượng với bất kỳ nhà kinh tế, nhà chuyên môn nào ở tất cả các lãnh thổ trên thế giới.

Những kết quả chúng ta đạt được càng có ý nghĩa hơn khi đặt trong bối cảnh giai đoạn 2016-2020, kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, xung đột thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ tháng 4/2018 và đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế.

Cũng giai đoạn này, chúng ta chứng kiến các liên kết của khu vực kinh tế được liên tục hình thành và tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ cho thấy, xu thế “co cụm” và liên kết giữa các nền kinh tế. Đây là điểm khác biệt rõ rệt của giai đoạn 2016-2020 với những năm trước.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam sẽ rất dễ bị “bỏ rơi” nếu như không có chiến lược và kế hoạch cụ thể, quyết liệt.

Ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ (năm 2016), Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nguồn lực phát triển trong toàn xã hội trên tinh thần của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, với những quyết tâm cao trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng; cùng với đó là sự nỗ lực của các bộ, ngành trong việc triển khai tích cực và đồng bộ các giải pháp và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của toàn dân và doanh nghiệp.

Và, có thể thấy, cùng với sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, sự tăng trưởng của xuất, nhập khẩu Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã gắn chặt và được đặt trong nền tảng của chiến lược hội nhập chủ động, toàn diện mà Nghị quyết số 22-NQ/TW năm 2013 đề ra, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện cho Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện cho Việt Nam ký kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

- Diện mạo nền kinh tế đất nước trước và sau khi chúng ta hội nhập sâu rộng đã thay đổi thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Mới đây, ngày 15/11, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng chính thức được ký kết. Quy mô thị trường của RCEP lớn hơn gần 5 lần so với CPTPP, với gần gấp đôi giá trị thương mại hằng năm và tổng sản phẩm quốc nội của CPTPP. EVFTA với quy mô chiếm 30% tổng GDP toàn thế giới, RCEP cũng tương tự với 2,2 tỷ người tiêu dùng và cũng chiếm tới hơn 30% của GDP.

Chỉ cộng dồn 2 khu vực này chúng ta đã thâm nhập vào khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu với những cắt giảm thuế quan sâu rộng và những cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam.

Tôi cho rằng, việc mở cửa thị trường liên tục và sôi động như vậy đã tạo điều kiện cho quy mô của nền kinh tế, năng lực sản xuất của các ngành kinh tế được mở rộng liên tục. Cùng với đó là năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế được tiếp tục cải thiện.

Đơn cử, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011, chúng ta chỉ có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng còn đến năm 2020, con số này là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu hơn 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD), chiếm tỉ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư trong toàn bộ thời kỳ Kế hoạch 5 năm 2016-2020 với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản hàng hóa cho người nông dân. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so với mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Tôi còn nhớ 5 năm trước, khi chúng ta triền miên trong nhập siêu, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro và những nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô thì những con số ngày hôm nay chúng ta đạt được quả thực vô cùng ấn tượng và có giá trị rất lớn trong việc đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững đất nước.

- Thủ tướng đã từng ví những Hiệp định thương mại tự do như những con đường “cao tốc” cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm gì để có thể thuận lợi đi trên “cao tốc” này?

- Tôi cho rằng điều này rất đúng. Vấn đề là bây giờ chúng ta phải làm gì để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và di chuyển trên hệ thống xa lộ này.

Bởi, để di chuyển trên hệ thống cao tốc này thuận lợi, hiệu quả, chúng ta phải cần có hệ thống biển báo hướng dẫn, quy định để tổ chức vận hành giao thông. Chúng ta phải có hệ thống hạ tầng, đường lối dẫn để kết nối. Chúng ta phải có sự đào tạo để những chủ thể ở đây là các doanh nghiệp có thể nắm được “luật chơi” khai thác tốt, khai thác sớm con đường cao tốc.

Như tôi đã nói, với một nền kinh tế kết nối thông qua các hiệp định thương mại tự do lên tới 17 FTA hiện nay và còn 3 hiệp định đang đàm phán… Chúng ta hoàn toàn có đủ dư địa, điều kiện để định hướng phát triển kinh tế bền vững trong chiến lược dài hạn sắp tới. Vấn đề còn lại là việc tổ chức thực thi các Hiệp định này bảo đảm hiệu quả.

Đến nay, đi cùng với tất cả các hiệp định thương mại tự do, chúng ta đều có các chương trình hành động của Chính phủ. Điều này cho thấy sự quyết liệt và có tính trách nhiệm, toàn diện rất cao trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Chính phủ đòi hỏi các bộ, ngành phải thực thi, nội luật hóa các cam kết hội nhập, chúng ta đã cam kết rồi thì chúng ta phải tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ luật pháp, hướng tới sự phát triển văn minh, tiến bộ của nền kinh tế. Điều cần phải làm tiếp là tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị nắm bắt và thực thi mà còn là doanh nghiệp, người dân đều phải thực sự trở thành chủ thể đích thực của quá trình hội nhập.

Hội nhập mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có những thách thức. Vì vậy, phải có kế hoạch thực hiện và cụ thể những đề án, nhất là trong tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và tổ chức lại theo quan điểm, cách tiếp cận mới của chuỗi cung ứng trong bối cảnh chúng ta có dư địa, có không gian rộng lớn của hội nhập. Với vai trò là đầu mối, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có trách nhiệm trong tổ chức thực thi các hiệp định.

- Với chức năng nhiệm vụ là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60-70% GDP của cả nước, phụ trách lĩnh vực xuất, nhập khẩu và thương mại trong nước, Bộ trưởng nhận thấy Bộ Công Thương đã làm được những gì trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Bộ Công Thương là một trong những bộ có những chính sách ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh cho nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh tương đối lớn. Theo thống kê đến thời điểm trước năm 2016, toàn ngành có khoảng 1.216 điều kiện kinh doanh.

Hiểu được điều đó, ngay từ năm 2016, chúng tôi đã chủ động xây dựng ngay Đề án thí điểm về cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt hướng vào cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh.

Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm hơn 70%). Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020 chúng ta đối mặt với 37 vụ việc, tăng 2,3 lần so với năm 2019.

Bộ Công Thương đã xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ đó, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada…

Tôi còn nhớ vụ kiện khi một số doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam bị Hoa Kỳ đánh thuế chống bán phá giá, tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải chịu mức thuế rất cao. Khi đó, Việt Nam đã kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm của Việt Nam và chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Đây là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bởi trong bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế, bất kể một doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ thuộc bất cứ lĩnh vực nào đều có thể trở thành đối tượng của những vụ kiện tranh chấp thương mại. Nếu chúng ta không có chuẩn bị trước và không phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp thông tin liên quan đến các vụ tranh chấp thương mại thì đây là điều thiệt thòi đối với doanh nghiệp.

Một điều đặc biệt phải nhắc đến trong giai đoạn 2016-2020 đó là đại dịch Covid-19, đây có thể nói là một sự cố chưa ai đoán định được. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những ngành kinh tế mũi nhọn và thế mạnh của Việt Nam từ dệt may, da giày, điện tử… sa sút và bị tác động nặng nề như vậy trong quý I và quý II/2020.

Khi Chính phủ cảnh báo về những nguy cơ rất lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối, tìm kiếm nguồn cung ứng mới để khắc phục sự đứt gãy nguồn cung cho các ngành hàng mũi nhọn để tạo sự ổn định; khẩn trương thực hiện kết nối giao thương trong và ngoài nước qua nền tảng số trực tuyến với các thị trường trọng điểm như: Hà Lan, Pháp, Anh, Đức, Bỉ, EU cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Mỹ… Chính  sự đổi mới, linh hoạt trong các hoạt động kết nối giao thương là nhân tố quan trọng giúp duy trì tăng trưởng của xuất nhập khẩu của Việt Nam.

- Nhìn lại cả nhiệm kỳ vừa rồi, Bộ trưởng còn điều gì chưa thực sự hài lòng?

- Đây là câu hỏi khó. Vì cá nhân tôi, cùng các đồng nghiệp trong ngành công thương cũng như trong Chính phủ dù có đạt được kết quả tốt đến đâu thì vẫn còn những việc cảm thấy chưa hài lòng, chưa làm được, chưa đáp ứng được hết các yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Tôi cũng cảm thấy đáng tiếc và day dứt trong cách tổ chức, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập.

Chúng ta có rất nhiều các FTA, nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp thực sự hiểu rõ và sẵn sàng cho hội nhập? Bao nhiêu doanh nghiệp hiểu thấu đáo những thách thức và nắm được cơ hội từ các FTA để chủ động trong chiến lược kinh doanh? Số lượng hiện nay rất hạn chế, chính vì vậy, chúng ta vẫn bị động… cá nhân tôi, đại diện cho Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa.

Cuối cùng, tôi chia sẻ những day dứt ở đây, không phải chỉ để xót xa mà để chúng ta hướng đến những hành động cụ thể hơn, quyết liệt hơn trong thời gian tới, trong bối cảnh mới của nền kinh tế số, trong bối cảnh chuyển trạng thái đón đợi những cơ hội mới trong tầm tay.

 

  Nguồn : chinhphu.vn

Tin tức liên quan