Lợi ích lớn nhất từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA) là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, do đó các doanh nghiệp cần nhanh chóng khai thác.
Đó là nhận định của ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương). |
Thưa ông, việc có FTA song phương với Vương quốc Anh sẽ mang lại lợi ích thiết thực ra sao với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam?
Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, nhưng giá trị xuất khẩu năm 2019 mới đạt 5,8 tỷ USD. Nếu so với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD trong năm qua của thị trường này, sẽ thấy hàng xuất khẩu Việt Nam mới chiếm không quá 1% thị phần tại đây. Điều này đồng nghĩa với dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm của Việt Nam còn rất lớn.
Với các cam kết mở cửa thị trường, cộng thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh trong FTA, chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, dệt may, da giày... có thêm cơ hội xuất khẩu vào Anh.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhu cầu nông sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử, dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện (găng tay nitrate, khẩu trang, quần áo cho nhân viên y tế và bệnh nhân) của thị trường Anh có xu hướng gia tăng, do đó, kết hợp với những cơ hội về tiếp cận thị trường từ UKVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo tính toán, đến thời điểm cuối lộ trình cắt giảm thuế quan, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu. 5 mặt hàng được cho là hưởng lợi nhiều nhất gồm dệt may, thủy sản, đồ gỗ, gạo và rau quả có dễ tăng vọt giá trị xuất khẩu sang Anh không, thưa ông?
Việc tăng trưởng xuất khẩu nhanh có thể sẽ chưa xảy ra, nhưng việc doanh nghiệp thuộc những ngành hàng kể trên thỏa mãn được các yêu cầu đặt ra trong Hiệp định để được giảm thuế, tăng ưu đãi, có tính cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các quốc gia khác là rất hiện thực. Điều này rất có lợi khi doanh nghiệp có được giá trị gia tăng tốt.
Việt Nam đã và đang thực thi 13 FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, mà UKVFTA được đàm phán trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp, nên tôi cho rằng, khả năng cao các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh với các cam kết của FTA này.
Anh là thị trường có tiêu chuẩn cao trong khối EU, nên kể cả có FTA, yêu cầu thỏa mãn xuất xứ cũng rất khó với không ít ngành hàng xuất khẩu. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đúng là rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong Hiệp định EVFTA, nhưng đa số ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng. Công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Để khai thác hiệu quả UKVFTA, con đường duy nhất là ngành sản xuất chế biến nông sản trong nước phải chuẩn hóa mọi khâu để đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra trong Hiệp định, không bị đối tác “lắc đầu”. Còn với ngành hàng rất triển vọng là dệt may, thì cửa xuất khẩu vào Anh để hưởng ưu đãi lại rất sáng khi có thể gia tăng thỏa mãn quy tắc xuất xứ nhờ sử dụng vải Hàn Quốc.
Rất mừng là ngay sau khi ký thỏa thuận kết thúc đàm phán UKVFTA, cũng trong ngày hôm đó (11/12), Việt Nam và Hàn Quốc lập tức ký ngay thỏa thuận về cộng gộp lượng vải từ Việt Nam và vải nhập từ Hàn Quốc, nhờ đó, hàng may từ Việt Nam vào EU có tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ tới 50%.
Như vậy, những quy định về xuất xứ cộng gộp trong Hiệp định sẽ thúc đẩy các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam phải thay đổi chiến lược đầu tư theo hướng chất lượng hơn, để hình thành chuỗi sản xuất bền vững, thưa ông?
Đối với Việt Nam, cơ chế cộng gộp này có thể trước mắt chưa đem lại nhiều lợi ích cho hàng xuất khẩu, nhưng về lâu dài sẽ giúp hình thành các chuỗi sản xuất giữa hai bên cũng như với EU.
Bên cạnh đó, do việc thực thi cơ chế cộng gộp mở rộng chưa từng có tiền lệ, phức tạp và cần phải rà soát trong quá trình thực thi, hai bên đã nhất trí xây dựng cơ chế rà soát cộng gộp theo hướng việc rà soát sẽ được thực hiện vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hướng tới việc đưa ra được những quy trình cần thiết để áp dụng cộng gộp mở rộng. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được quy trình, mỗi bên sẽ có quyền áp dụng quy trình trong nước về cộng gộp.
Theo : baodautu.vn