Do ảnh hưởng của Covid-19 khiến thị trường xuất khẩu ngành da giày gặp nhiều khó khăn. Theo ước tính của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, đến cuối tháng 12 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt khoảng 16,5 tỷ USD; giảm hơn 10% so với năm 2019. Để đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2021, doanh nghiệp ngành da giày cần những chính sách hỗ trợ thiết thực.
Giảm đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc
Là chủ doanh nghiệp có 4 nhà máy sản xuất da giày cùng hơn 6.000 công nhân, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gia Định cho biết, năm 2020 thực sự là giai đoạn khó khăn đối với doanh nghiệp khi phải cho hàng loạt công nhân nghỉ việc, nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống giảm đơn hàng vì dịch Covid-19.
“Trong giai đoạn này với doanh nghiệp chúng tôi là hết sức khó khăn. Các đơn hàng để xuất sang châu Âu và Mỹ đang tạm thời giãn, ngừng để chờ xem tình hình dịch bệnh. Đơn hàng đang giảm khoảng 80%” - ông Trung cho biết.
Đến cuối tháng 12 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt khoảng 16,5 tỷ USD; giảm hơn 10% so với năm 2019.
Năm 2020, ngành da giày chịu tác động từ cả 2 phía. Đó là, nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn từ phía Trung Quốc. Còn thị trường Mỹ, châu Âu, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của nước ta thì đang đóng cửa vì Covid-19.
Tình trạng trên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu da giày của Việt Nam không có đơn hàng mới, còn các đơn hàng cũ thì tiếp tục bị kéo giãn thời gian giao hàng. Nhiều doanh nghiệp ngành da giày hoạt động sản xuất cầm chừng, và chủ yếu là duy trì để máy móc không bị bụi bặm, rỉ sét. Theo thống kê của Bộ Công thương, đến nay, đã có trên 70% doanh nghiệp da giày trong nước ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến 800.000 lao động.
Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu ở hai thị trường châu Âu và Mỹ giảm từ 13% đến 14%, thì việc chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia phần nào kéo kim ngạch xuất khẩu ngành da giày tăng trưởng dương ở mức 5,7% trong quý II năm 2020.
Một khó khăn nữa đối với ngành da giày trong bối cảnh Covid-19 đó là nguồn vốn lưu động, vốn sản xuất cho doanh nghiệp. Nếu việc này không được can thiệp kịp thời từ chính sách Nhà nước, thì khó khăn càng chồng thêm khó khăn đối với doanh nghiệp da giày.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP HCM cho rằng: “Khó khăn tiếp theo về vốn. Vốn để nhập nguyên phụ liệu nếu hậu Covid-19 này thì coi chừng vốn doanh nghiệp đang cần. Hàng sản xuất sau Covid-19 thì đồng loạt các nơi đều sản xuất hết, nhất là Trung Quốc, cạnh tranh với Trung Quốc, thì đúng là cạnh tranh khốc liệt cho ngành da giày Việt Nam”.
Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc xúc tiến sản phẩm cho thị trường nội địa. Nhưng đây không phải là điều dễ dàng, bởi nguồn nguyên liệu sẵn có chủ yếu là để phục vụ cho xuất khẩu nên mẫu mã khác với nhu cầu trong nước.
Đặc biệt, yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất ở thị trường nội địa là sự cạnh tranh với da giày Trung Quốc. Hàng hóa nhập lậu khiến giá bán trên thị trường có sự chênh lệch lớn. Bởi vậy, doanh nghiệp mong muốn, Nhà nước kiểm soát tốt việc hàng hóa nhập lậu trôi nổi trên thị trường thì lúc đó mới có khả năng mở rộng ngành da giày ở thị trường trong nước.
Dây chuyền sản xuất vắng công nhân vì lượng đơn hàng giảm sút
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp
Trước những khó khăn mà ngành da giày gặp phải, phía Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, ban ngành.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kiến nghị: "Thứ nhất là miễn giảm bảo hiểm, kinh phí công đoàn, cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn giãn nợ ngân hàng cho các doanh nghiệp, chi phí điện nước cầu cảng miễn cho doanh nghiệp, vấn đề về chính sách thuế cũng như vậy. Tiếp tục kiến nghị để các chính sách hỗ trợ sớm được áp dụng, tránh thủ tục rườm rà trong quá trình mà doanh nghiệp đang còn rất khó khăn”.
Mục tiêu của ngành da giày trong năm 2021 phải đạt trên 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành bằng những chính sách phù hợp.
Theo : VOV.VN