Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Xuất khẩu da giày bứt phá
  • 24/06/2014
 

Làn sóng đơn hàng dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc cùng các hiệp định thương mại tự do đang là cơ hội cho ngành da giày bứt phá

Nhiều năm qua, da giày, túi xách là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch năm 2013 hơn 10,4 tỉ USD và khả năng đạt đến 12 tỉ USD trong năm nay.

Làn sóng đón đầu các FTA

Tại hội thảo về triển vọng kinh doanh ngành da giày do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức ngày 23-6 tại TP HCM, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, cho biết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được ký kết sẽ có hiệu lực từ giữa hoặc cuối năm tới nên hiện các nhãn hàng đang đẩy mạnh sản xuất để đón đầu xu thế, giúp ngành da giày tăng trưởng nhanh. “Chi phí nhân công và yêu cầu về môi trường tại Trung Quốc tăng lên giúp nhiều đơn hàng- trong đó có đơn hàng da giày, túi xách - chuyển sang Việt Nam” - ông Kiệt thông tin.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã rót vốn vào Việt Nam để hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bởi không chỉ TPP mà FTA giữa Việt Nam và EU, Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan đang đàm phán cũng là cơ hội rất lớn.

Ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương - cho biết nhiều nhà đầu tư đang có động thái đầu tư vào Việt Nam đón đầu các FTA, như một số DN Trung Quốc mở nhà máy ở Móng Cái, Hòa Bình hoặc một KCN lớn vừa được thành lập ở Nam Định… “Dù chưa ồ ạt nhưng DN nước ngoài triển khai rất nhanh nhờ tiềm lực về tài chính mạnh, đầu tư để hưởng ưu đãi, thu lợi nhuận” - ông Dũng nói.

Không lo lệ thuộc nguyên liệu Trung Quốc

Trong khi đó, dù là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng DN trong nước chủ yếu phải nhập nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN da giày, túi xách trong nước chỉ ở công đoạn thấp của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nay với các FTA Việt Nam đang tham gia sẽ là động lực để các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào, cải thiện vùng nguyên phụ liệu trong nước. Đây là cơ hội lớn, nếu không tranh thủ, không cách gì ngành da giày khắc phục được điểm yếu là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nước ngoài.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, nếu phân tích giữa cân đối xuất khẩu - nhập khẩu của ngành da giày, túi xách sẽ thấy trong năm 2013, DN xuất khẩu 10,4 tỉ USD và nhập khẩu 4,2 tỉ USD nguyên liệu đầu vào. Tỉ lệ nội địa hóa của ngành (gồm cả tiền công và giá trị gia tăng tạo ra khoảng 60%) với 3 nhóm nguyên liệu chính là da thuộc, da tổng hợp và vải các loại.

Về da thuộc, 1 năm nhập khoảng 1,5 - 1,8 tỉ USD, trong đó nhập từ thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Ý, Thái Lan và nhập từ Trung Quốc chỉ khoảng 6%-7% nên không lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Với nguyên liệu da tổng hợp (PU, PVC), DN nội địa đang phải nhập khẩu khoảng 60%-70% nhưng chủ yếu từ các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc…

“Tỉ trọng nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc không lớn nếu nhìn toàn diện nhưng riêng các DN nhỏ sản xuất hàng cấp trung, cấp thấp chủ yếu nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc thì sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Kiệt nói.

Riêng đối với nguyên liệu vải, không chỉ da giày mà dệt may cũng đang phải nhập khẩu đến 60% từ thị trường Trung Quốc nên cần giải bài toàn chung cho cả 2 ngành.

Theo Thái Phương
Người lao động

Tin tức liên quan