Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục Phó Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương: “Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN khoảng 35 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 40 tỷ USD." Tuy nhiên, quan hệ thương mại của Việt Nam với ASEAN so với tiềm năng thì vẫn còn rất nhiều hạn chế, bà Oanh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo “Thị trường ASEAN – Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương tổ chức sáng 19/12/2013 đã cung cấp và phân tích nhiều thông tin từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của khối ASEAN với mong muốn giúp các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực.
ASEAN là một trong những thị trường truyền thống và tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Chỉ tính đến hết tháng 11 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này ạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN rất đa dạng như như gạo, dầu thô, xăng dầu, sắt thép, điện thoại, phụ tùng, linh kiện…
Bà Phạm Thị Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết, trong khối ASEAN, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến năm 2018 với nhóm nước Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam, Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Australia, New Zealand. Tiến trình đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại khác cũng đang tiếp diễn… Điều này tạo nhiều thuận lợi để hàng hóa Việt Nam lưu thông dễ dàng trong khu vực cũng như với các nước đối tác.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế theo các FTA. Hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thiếu thông tin về các cơ hội thị trường mà các FTA mang lại cũng là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp trong quá trình tận dụng những cơ hội này. Đặc biệt đó là những thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa, dịch vụ và hàng rào kỹ thuật khác để có thể nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Vì vậy, để tận dụng các cơ hội từ khu vực ASEAN, doanh nghiệp cần xem đổi mới là nhiệm vụ trọng tâm. Để có thể đổi mới được thì doanh nghiệp phải luôn sáng tạo, áp dụng Khoa học và Công nghệ, đổi mới sản phẩm.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng cung cấp những thông tin về các thuận lợi và lưu ý khi đưa hàng hóa vào các nhóm thị trường trong khu vực ASEAN.
Với nhóm các nước ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thông qua những nước này để xuất khẩu sang nước thứ 3. Song, thách thức là hàng hóa sẽ chịu sự cạnh tranh cao về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã và khó khăn khi tiếp cận các kênh phân phối…
Còn với nhóm các nước Campuchia – Lào – Myanmar, hàng Việt Nam có lợi thế về giá cả, chất lượng; Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư một số lĩnh vực bất động sản, phân phối, sản xuất chế biến… Tuy nhiên cũng còn khó khăn do cơ chế, chính sách quản lý của các nước này còn nhiều bất cập; Việc thanh toán chưa thuận lợi, đặc biệt là tại thị trường Myanmar…
Đặc biệt, Myanmar được ví như là mỏ vàng cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á, khi mà hiện nay, chính phủ Myanmar đang tích cực thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế. Và khả năng sản xuất của Myanmar mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng hàng hóa Việt Nam vào Myamar mới chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Myanmar. Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu cũng như đầu tư vào đất nước giàu tiềm năng này. Bên cạnh những mặt thuận lợi và cơ hội lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý tập quán kinh doanh cũng như môi trường pháp lý còn nhiều bất cập và khác biệt của Myanmar.
Để tìm hiểu kỹ hơn về thị trường các nước Đông Nam Á, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương để được cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc tại địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội, điện thoại: 04 22205423, fax: 04 22205518, email: vcatbd@moit.gov.vn.