Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Pompeo đang có chuyến công du 4 nước châu Á. Theo lịch trình được Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ban đầu trên website, ông Pompeo lần lượt thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives và Indonesia từ ngày 25 đến ngày 30/10. Chuyến thăm Việt Nam được công bố sau lịch trình này.
Trọng tâm chuyến đi là thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở của Mỹ, bên cạnh củng cố quan hệ song phương giữa Washington với mỗi nước.
Tại New Delhi, ông Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã cùng các đồng cấp Ấn Độ tham gia cuộc đối thoại chiến lược 2+2 thường niên lần thứ ba. Ông Pompeo cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trước đó, hồi đầu tháng 10, ông Pompeo đã có chuyến thăm Nhật Bản, dự hội nghị cùng ngoại trưởng các nước thuộc nhóm "Bộ Tứ", bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Đây là hội nghị thứ hai của nhóm sau hội nghị đầu tiên ở New York năm 2019.
Không chỉ khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược quan trọng với Nhật Bản, chuyến đi cũng nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã ca ngợi hợp tác Việt - Mỹ trong 25 năm qua và cam kết đưa quan hệ song phương thành hình mẫu quốc tế trong tuyên bố hồi tháng 7.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh hai nước đã tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, hợp tác chiến lược và phối hợp trong các vấn đề nhân đạo và các vấn đề chiến tranh để lại, trong đó có tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh.
Mỹ và Việt Nam cũng tăng cường và mở rộng Quan hệ Đối tác Toàn diện trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Ngoại trưởng Mỹ cũng từng bày tỏ trân trọng những thành tựu của Việt Nam khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm nay, đặc biệt trong việc điều phối sự ứng phó của ASEAN với đại dịch COVID-19 và các vấn đề liên quan tới phục hồi kinh tế.
Ông cho hay mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ ngày càng gắn kết, trong đó một phần nhờ cộng đồng người gốc Việt tại Mỹ. Có gần 30.000 sinh viên Việt Nam hàng năm học tập tại Mỹ và hơn 1.200 người Mỹ đang học tập tại Việt Nam.
Kể từ năm 1995 đến nay, sau 25 năm hai nước Việt Nam - Mỹ bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang Mỹ có tốc độ tăng trưởng chóng mặt.
Nếu năm 1995, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ mới đạt 169,7 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 130,4 triệu USD thì sang năm 2019, con số này đã tăng hàng trăm lần (xuất khẩu đạt 60,7 tỷ USD; nhập khẩu đạt 14,3 tỷ USD). Cán cân thương mại năm 2019 giữa Việt Nam và Mỹ luôn duy trì mức thượng dư với hàng hóa xuất siêu sang thị trường Mỹ đạt 46,4 tỷ USD.
Tiếp đà tăng trưởng, 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn có sự tăng trưởng lạc quan. Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2020, thương mại hai chiều đạt 46,2 tỷ USD, tăng 12,5% (5,1 tỷ USD) so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% (4,9 tỷ USD), nhập khẩu 8,3 tỷ USD, tăng 2,5% (200 triệu USD). Xuất siêu sang thị trường Mỹ đạt giá trị cao nhất với 29,6 tỷ USD. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng và tạo đà tăng trưởng bền vững. Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ được ký kết vào năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Nếu trước đây,
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ là các nhóm hàng như: Dệt may, da giày… thì nay đã có thêm nhóm hàng nông - thủy - hải sản tham gia vào danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng. Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, có một số mặt hàng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt giá trị tăng cao như: Máy vi tính và linh kiện 82,2% (2,4 tỷ USD); Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 87,1% (2,2 tỷ USD). Đặc biệt, dệt may là mặt hàng tiếp cận thị trường Mỹ từ rất sớm và hiện đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Mỹ. Năm 2019, dệt may xuất khẩu vào Mỹ tăng xấp xỉ 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, hiện chưa có sự thay đổi nhiều, Việt Nam vẫn có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng mà Mỹ có nguồn cung dồi dào như: Các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu…
Thương mại hàng hóa song phương Việt Nam-Mỹ có tính bổ trợ cho nhau. Cụ thể, Mỹ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử... Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào...
Với chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngoại trưởng Mỹ, cùng với những hành động thiết thực, cụ thể trong suốt những năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.
Theo : enternews.vn