Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Các lưu ý trước khi mua giày chạy
  • 18/09/2020


Tìm hiểu cấu trúc lòng bàn chân của mình và chọn mẫu giày phù hợp, lưu ý một số mẹo khi thử giày… giúp runner tìm được sản phẩm tối ưu.

Khi chạy, bàn chân là bộ phận chịu tải trọng lớn, tiếp đất đầu tiên nên thường gặp đau nhức hoặc chấn thương. Vì vậy, người chuẩn bị tập bộ môn này cần trang bị giày chạy chất lượng, vừa vặn với bàn chân.

Theo UConn Health, trước khi mua phụ kiện, runner nên tìm hiểu về cấu tạo chân, kiểu chạy của mình, sau đó đối chiếu với các loại giày thể thao trên thị trường để chọn đôi phù hợp nhất.

Các kiểu bàn chân và độ nghiêng

Các chuyên gia về giày chạy bộ đưa ra ba cấu trúc lòng bàn chân thường gặp gồm: chân lõm trung bình, lõm ít (chân phẳng) và lõm sâu. Chiều cao của lòng chân có ảnh hưởng đến hướng chạy, độ nghiêng của bàn chân khi tiếp đất.

Ba cấu trúc lòng bàn chân thường gặp. Ảnh: Shutterstock.


















Ba cấu trúc lòng bàn chân thường gặp. Ảnh: Shutterstock.

Với chân lõm trung bình, cổ chân linh hoạt, không nghiêng quá sâu nên giảm lực tác động lên xương khớp, giúp người chạy ít gặp chấn thương hơn so với hai kiểu còn lại.

Runner có bàn chân lõm ít có diện tích tiếp xúc mặt đất lớn nhất, khi chạy nghiêng vào má trong nhiều khiến lực dồn lên bộ phận này và ngón chân cái. Người rơi vào trường hợp này thường bị chai da, căng cơ, đau gót và xương cẳng chân, biến dạng ngón chân cái...

Còn chân lõm sâu có diện tích tiếp đất ít nhất, cổ chân nghiêng ra ngoài nhiều hơn, dẫn đến trọng lượng dồn lên ngón út và hai bên bàn chân, dễ trật mắt cá, đau xương cẳng chân...

Xác định kiểu chân của bạn

Để biết bàn chân của mình thuộc kiểu nào, bạn nên quan sát lớp lót và phần đế giày. Người chân lõm trung bình thì giày mòn đều. Trường hợp lõm ít, đế trong giày mòn nhiều hơn. Còn giày mòn ở đế ngoài là dấu hiệu nhận biết chân lõm sâu.

Ba loại giày chạy bộ

Sau khi xác định cấu trúc bàn chân, runner chuyển sang tìm hiểu loại giày dành cho chạy bộ. Tuy nhiên, cách phân loại này ít khi dán lên giày hoặc hộp, bạn có thể hỏi nhân viên bán hàng, tìm hiểu thông tin trên trang website của thương hiệu. Ba loại giày chạy phổ biến gồm:

Giày tăng ổn định được đánh giá phù hợp với người chân lõm trung bình hoặc gặp vấn đề nhỏ trong kiểm soát. Phụ kiện được nhà sản xuất thêm miếng đệm và xốp ở vùng lõm, tạo phần vòm vừa phải để giữ thăng bằng, tăng linh hoạt của bàn chân trước.

Giày kiểm soát chuyển động thường dành cho người chân lõm ít, nghiêng vào trong khi chạy. Thiết bị có đế làm từ các chất liệu cứng như nhựa, sợi thủy tinh, bọt xốp mật độ cao... giúp bàn chân đáp xuống không bị đẩy vào trong hay gót chân lệch ra ngoài.

Giày đàn hồi hỗ trợ tối ưu lòng chân lõm sâu nhờ vật liệu nhẹ, có độ cứng tối thiểu với lớp đệm dày tạo cơ chế chống shock. Một số loại được trang bị lớp đệm vượt trội, tăng 50% độ êm so với giày truyền thống, cho sự ổn định cao hơn.

Chọn giày phù hợp bàn chân giúp runner chinh được nhiều quãng đường khó.





















Chọn giày phù hợp bàn chân giúp runner chinh được nhiều quãng đường khó. Ảnh: Shutterstock.

Cách chọn giày

Sau khi hiểu rõ bàn chân và thông tin cơ bản về giày chạy, bạn tiến hành chọn phụ kiện. Trong lúc mua giày mới, nên lưu ý 5 điểm như sau:

Thử giày vào cuối ngày - thời điểm chân đã vận động đủ trước đó.

Mang tất, lót giày hoặc các dụng cụ thường đeo khi chạy.

Đứng lên để kiểm tra chiều dài, chiều rộng của giày.

Thực hiện nâng gót, đi, chạy bộ với giày đảm bảo cảm giác thoải mái và có được sự hỗ trợ đúng với vùng lõm của chân.

Ngoài ra, giày đi thử ở cửa hàng thường có sự khác biệt so với lúc chạy quãng đường dài, bạn nên dành thời gian nghiên cứu và lựa chọn cẩn thận. Các HLV khuyên thay giày sau khi chạy 600-900 km, vì lúc này đế giữa lẫn đế ngoài bị mòn mà bạn không thể nhìn thấy, đồng thời phụ kiện đã giảm khả năng hấp thụ sốc, dễ gây chấn thương.

 Theo : vnexpress.net

 

Tin tức liên quan