Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công thương cho biết sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 7 tăng 7,6% so với tháng trước, nhưng giảm 4,4% so với cùng kì. Tính chung 7 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kì năm 2019.
Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh COVID-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỉ USD, giảm gần 8% so với cùng kì năm 2019.
Hiện EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu, khoảng gần 6 tỉ USD mỗi năm.
Số liệu của Lefaso cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép, túi xách Việt Nam trong năm 2019 sang thị trường EU đạt 6,1 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2018 (chiếm tỉ trọng 27,7% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng da giày cả nước).
Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 5 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018 (chiếm tỉ trọng 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước).
Xuất khẩu mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù sang thị trường EU đạt 1,1 tỉ USD, tăng 15,9%. Đây là mức tăng khá tốt đối với mặt hàng này trong thời gian qua.
Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8, ngành da giày kì vọng xuất khẩu giày dép trong quí III và quí IV/2020 sẽ tăng trưởng trở lại, giúp bù đắp lại những thiệt hại trong những tháng đầu năm.
Bởi thuế suất đối với sản phẩm túi, ví, cặp, va li, giày bảo hộ và giày thể thao được về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, có các dòng sản phẩm chiếm 37% tổng sản phẩm giày dép xuất khẩu từ Việt Nam sẽ hưởng ngay mức thuế 0%, phần còn lại giảm dần từ mức bình quân 12,5% về 0% theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.
Theo : Kinh tế & tiêu dùng.