Nhiều sự kiện triển lãm, hội chợ tại Việt Nam vẫn chưa thể khởi động lại vì ảnh hưởng từ đại dịch |
Theo Công ty TNHH MTV Quảng cáo và triển lãm Minh Vi, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phải đóng cửa, các quy định hạn chế đi lại được áp dụng, nhưng nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp vẫn rất lớn thì triển lãm trực tuyến là một giải pháp khả thi ở thời điểm này. Điểm đáng chú ý là doanh nghiệp được tham gia hoàn toàn miễn phí. Và khách tham quan có thể ghé thăm các gian hàng, xem phát trực tiếp (livestream), trao đổi với đơn vị triển lãm thông qua website và ứng dụng của triển lãm, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí so với triển lãm truyền thống.
Nhiều doanh nghiệp Việt tỏ ra khá hào hứng với triển lãm mới mẻ này và cho biết đang tìm hiểu để đăng ký tham gia, tìm cơ hội tiếp cận khách hàng để gia tăng xuất khẩu trong các tháng cuối năm.
Trước Minh Vi, trong ngành nội thất cũng đã có sáng kiến xây dựng hội chợ ảo cho các doanh nghiệp gỗ. Theo thông tin mới nhất của ngành này, tới nay các nền tảng cơ bản để vận hành hội chợ này đã được hoàn thành. Dự kiến khi hoạt động hội chợ ảo này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm khách hàng tốt hơn.
Ngoài hội chợ, triển lãm được “online hóa”, thời gian qua rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) - chia sẻ: Thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 hoạt động xúc tiến thương mại bị tắc lại, do đó Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại. Chí tính riêng từ tháng 4/2020 đến nay Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai 15 cuộc giao thương trực tuyến và đã ghi nhận những kết quả bước đầu rất tích cực.
Và riêng tại thị trường Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại đã có kế hoạch thực hiện khoảng 8 đến 10 sự kiện kết nối giao thương, sử dụng phương thức “triển lãm đám mây” và “không tiếp xúc trực tiếp” trong năm 2020.
Theo đánh giá của doanh nghiệp, các hoạt động này sẽ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp duy trì các mối liên hệ đối tác thường xuyên, liên tục và tiếp tục thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh doanh triển vọng ngay cả trong thời kỳ phòng chống dịch.
Có thể thấy, các hoạt động giao thương, triển lãm trực tuyến đang trở thành xu thế chung của toàn cầu và nhanh chóng được doanh nghiệp Việt nắm bắt. Tuy nhiên, để có thể phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Hạ tầng thương mại và hạ tầng trung chuyển sản phẩm là hai nút thắt cần cải thiện. Bởi lẽ hiện tại chi phí vận chuyển đang chiếm khoảng 25% giá thành của sản phẩm nông nghiệp Việt, trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ này chỉ ở mức 15%. Qua đó cho thấy lợi thế so sánh của Việt Nam đang thấp hơn các nước.
Theo Thùy Dương - trang tông tin điện tử congthuong.vn