Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Bản lĩnh doanh nghiệp Việt
  • 07/08/2020
 
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các DN Việt có tinh thần chủ động trong khó khăn, đẩy mạnh tái cấu trúc DN, giảm các chi phí không cần thiết. Ngay cả khi dịch xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng thì ở các địa phương khác, DN vẫn đang tích cực vừa phục hồi sản xuất vừa chống dịch.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh nhận định, Covid-19 là thử thách khắc nghiệt nhất đối với DN Việt trong vòng hơn 20 năm trở lại đây. Cụ thể, theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước đã có gần 35 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Covid-19 được nhìn nhận như một “bóng đen”, gây ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành nghề, khiến DN hứng chịu nhiều tổn thất và đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt lại đang chứng tỏ phẩm chất kiên cường, có khả năng chống chịu cao và phục hồi tốt trong khủng hoảng.

DN Việt có khả năng chống chịu và phục hồi tốt khi đối mặt với khủng hoảng

Cụ thể, các DN Việt Nam đã và đang thể hiện được sự thích ứng nhanh và kịp thời, minh chứng là sự phục hồi tốt ngay sau khi dịch được kiểm soát. Trong tháng 7/2020, cả nước có 13.200 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 239.300 tỷ đồng. Tuy có giảm 3,8% về số DN nhưng lại tăng 72% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, số DN quay trở lại hoạt động trong tháng 7/2020 tiếp tục gia tăng với tỷ lệ cao sau thời kỳ giảm sút ở những tháng đầu năm, với 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, gây ảnh hưởng tới sản xuất, gián đoạn hoạt động xuất - nhập khẩu, thay vì rơi vào trạng thái “ngủ đông”, nhiều DN đã nhanh chóng tìm các phương án mới, vừa đảm bảo chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh. Thị trường đã ghi nhận nhiều sự biến đổi, đơn cử như một số công ty may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ chống dịch… thay vì ngồi chờ đơn hàng trong vô vọng. Các siêu thị đồng loạt đưa ra những dịch vụ mới như đi chợ online, giao hàng siêu tốc tại nhà để phục vụ người dân trong thời gian cách ly. Nhiều cửa hàng, shop thời trang… cũng đồng loạt đưa sản phẩm của mình lên “chợ mạng”, sàn thương mại điện tử để tối ưu chi phí thuê mặt bằng, tiếp cận khách hàng tốt hơn trong mùa dịch. Một loạt sự thay đổi khác như xu hướng sàn giao dịch bất động sản online, ứng dụng học trực tuyến… Tất cả đã tạo nên một cuộc cách mạng số nhanh và mạnh mẽ hơn nhờ Covid-19.

Bên cạnh đó, các DN Việt còn rất đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Mới đây, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng, Tập đoàn Vingroup đã có văn bản gửi Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị được tham gia hỗ trợ nhân vật lực cho Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch. Theo đó, Vingroup sẽ tài trợ khẩn cấp 100 máy thở xâm nhập VPS 510 và sẵn sàng cho mượn trang thiết bị y tế, điều động nhân lực từ hệ thống Bệnh viện Vinmec của tập đoàn để hỗ trợ bệnh viện dã chiến đang thành lập tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hàng loạt các DN cũng ủng hộ bằng hiện vật và tiền mặt, cùng chung tay hướng về Đà Nẵng trong những ngày vừa qua.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các DN Việt có tinh thần chủ động trong khó khăn, đẩy mạnh tái cấu trúc DN, giảm các chi phí không cần thiết. Ngay cả khi dịch xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng thì ở các địa phương khác, DN vẫn đang tích cực vừa phục hồi sản xuất vừa chống dịch.

Cùng với đó, cũng rất cần đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, giảm bớt các chi phí ngoài pháp luật cho DN.

TS.Lê Đăng Doanh cho biết, vẫn có hơn 50% DN thấy rằng chi phí ngoài pháp luật vẫn là khoản chi phí lớn của DN, nên trong thời gian tới, Chính phủ có thể tăng thêm các gói trợ giúp, giảm bớt thủ tục, điều kiện để DN tiếp cận được dễ dàng hơn.

TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, trong thời gian sắp tới, cần xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ gồm mạng 5G, các trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… để tận dụng cơ hội tăng đầu tư cho các mục tiêu hạ tầng số và thúc đẩy TMĐT phát triển. Đồng thời, các DN cũng cần định hình lại chuỗi cung ứng và dòng đầu tư. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 đã làm thay đổi quan điểm, nhận thức phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung, từ đó chú trọng tối ưu hóa, đa dạng hóa nguồn cung, tái phân bổ hoạt động sản xuất trong tương lai.

Trong thời gian tới, dư địa chính sách của Việt Nam vẫn còn và có thể dùng nó để kích hoạt hỗ trợ DN. Về ngắn hạn là kích cầu tiêu dùng trong nước và về dài hạn đó là tăng giải ngân đầu tư công. Với đầu tư tư nhân, cần thực chất hơn để hỗ trợ DN. Đồng thời, cũng cần có sự sàng lọc DN, loại bỏ những DN yếu kém và đẩy mạnh việc tái cấu trúc, số hóa DN, ông Thắng chia sẻ thêm.

 Theo : thoibaonganhang.vn

Tin tức liên quan