Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngân hàng Mỹ ‘bơi’ trong núi tiền mặt
  • 24/06/2020


Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết từ tháng 1, các nhà băng Mỹ có thêm kỷ lục 2.000 tỷ USD trong các tài khoản tiền gửi.

Tiền đang chảy vào các ngân hàng Mỹ với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Chỉ riêng trong tháng 4, số tiền gửi đã tăng thêm kỷ lục 865 tỷ USD, lớn hơn toàn bộ năm ngoái. Còn tính từ tháng 1, con số này là 2.000 tỷ USD.

Mức tăng này có liên quan đến đại dịch. Chính phủ Mỹ đến nay đã tung ra hàng trăm tỷ USD kích thích doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ người dân thông qua chi trả trực tiếp vào tài khoản và trợ cấp thất nghiệp. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng bơm thêm tiền vào thị trường tài chính, trong đó có chương trình mua lại trái phiếu không giới hạn. Bên cạnh đó, tương lai thiếu chắc chắn cũng khiến người dân và doanh nghiệp quyết định dự trữ tiền mặt.

Bên ngoài trụ sở của JP Morgan Chase tại New York (Mỹ), Ảnh: Reuters





















Bên ngoài trụ sở của JP Morgan Chase tại New York (Mỹ), Ảnh: Reuters

Hơn hai phần ba số tiền gửi tăng thêm nằm tại 25 tổ chức tín dụng lớn nhất, FDIC cho biết. Số tiền này tập trung tại những cái tên hàng đầu trong ngành: JPMorgan Chase, Bank of America và Citigroup. Đây là các nhà băng lớn nhất Mỹ về tài sản.

"Khi nhìn vào các số liệu, bạn sẽ thấy sự tăng trưởng này là cực kỳ bất thường", Brian Foran - nhà phân tích tại Autonomous Research nhận xét, "Các nhà băng đang ngập trong tiền mặt, như là đang bơi trong tiền vậy".

Có nhiều lý do cho việc các nhà băng lớn của Mỹ hưởng lợi chính từ sự bùng nổ tiền gửi này. Khi các bang bắt đầu phong tỏa hồi tháng 3, các công ty như Boeing và Ford đã ngay lập tức rút về tài khoản hàng chục tỷ USD trong hạn mức tín dụng. Ban đầu, số tiền này được để tại các nhà băng thực hiện khoản cho vay này.

Nguyên nhân thứ hai là các ngân hàng lớn cũng đang phục vụ lượng khách hàng trong Chương trình Bảo vệ Tiền lương - sáng kiến 660 tỷ USD của chính phủ Mỹ nhằm cho vay doanh nghiệp nhỏ. Do các ngân hàng chủ yếu phục vụ khách hàng hiện có, số tiền này ban đầu đổ vào các tài khoản của các nhà băng này.

Các quỹ tín thác - thực hiện khoản đầu tư cho các công ty quản lý tài sản như BlackRock hay Fidelity thì lại có tiền gửi nhờ chương trình mua lại trái phiếu của Fed. Fed đã mua lại hàng tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài khoản thế chấp (MBS). JPMorgan và Citigroup cũng có mảng ủy thác lớn.

Dĩ nhiên, các nhà băng lớn cũng có số khách hàng cá nhân khổng lồ. Khi phải ở nhà vì phong tỏa, người dân bình thường chẳng có mấy lựa chọn tiêu tiền. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ đã chạm kỷ lục 33% trong tháng 4, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ tháng trước cho biết. Thu nhập của người dân cũng tăng 10,5% tháng đó, nhờ khoản hỗ trợ 1.200 USD và trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Tất cả số tiền này vì thế đều chảy vào tài khoản ngân hàng.

Từ sau khủng hoảng tài chính, các nhà băng lớn đều phải dựa vào lượng tiền gửi dồi dào làm lợi thế chính. Đây là một trong những nguồn vốn giá rẻ nhất để cho vay, giúp họ có lợi nhuận kỷ lục dù hoạt động trong thời kỳ lãi suất thấp.

Tuy vậy, Foran cho biết các nhà băng thường cho vay thận trọng trong thời kỳ suy thoái. Bên cạnh đó, họ cũng đang dần hết phương án sử dụng với số tiền mặt ngày một tăng.

"Rất nhiều ngân hàng nói rằng thực sự họ không thể làm gì nhiều với chỗ tiền này. Họ có nhiều tiền gửi hơn mức cần thiết", ông nói.

Sự bùng nổ tiền gửi này có thể chỉ đơn thuần là do các biện pháp giảm thiệt hại tài chính từ đại dịch. Dù vậy, giới quan sát vẫn còn cần theo dõi hệ quả của chính sách chi tiêu công kỷ lục. Một số chuyên gia cho rằng việc này sẽ khiến đồng đôla mất giá và lạm phát tăng tốc. Số khác thì cho rằng bong bóng chứng khoán sẽ hình thành.

Dù vậy, Foran nói rằng hậu quả với người gửi tiết kiệm sẽ xuất hiện lập tức. Các nhà băng chắc chắn sẽ giảm lãi suất, vì họ không cần thêm tiền nữa.

Tin tức liên quan