Đại dịch Covid - 19 đã tạo ra những tác động tiêu cực đến công ăn việc làm cho lao động của hai ngành dệt may và da giày, với hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của ngành bị mất việc hoàn toàn.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam ký kết và đưa ra tuyên bố chung về sáng kiến hợp tác khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với người lao động, doanh nghiệp ngành dệt may, da, giầy, túi xách Việt Nam.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài số lao động bị mất việc thì số còn lại chỉ làm việc khoảng 60% công suất, giảm 40% thu nhập.
Lao động và việc làm của ngành dệt may, da giày đang là bài toán khó giải. |
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường mà các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam xuất khẩu hàng hóa lớn. Nếu các doanh nghiệp không duy trì được sản xuất kinh doanh sẽ khó có thể tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hay EVFTA mang lại vào tháng 8 năm nay. Điều này khiến lượng lớn người lao động không đảm bảo được việc làm ổn định.
“Hiệp hội, doanh nghiệp đã bằng mọi cách để người lao động không bị sa thải, mất việc làm. Tuy nhiên những nỗ lực của doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh tác động lớn như vậy, rất cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan nhà nước của Chính phủ. Việc ra tuyên bố chung, đề xuất với Chính phủ, kiến nghị EU có động thái hỗ trợ doanh nghiệp người lao động kịp thời để có thể vượt qua khủng hoảng này”, ông Cẩm đề xuất.
Trong khi đó, Bản tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), các đối tác, các nhãn hàng EU có cơ chế hỗ trợ kịp thời và thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo ra các cơ chế và hỗ trợ về nguồn lực để giúp các ngành công nghiệp dệt may, da, giày, túi xách trở thành ngành công nghiệp sáng tạo...
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, bản tuyên bố chung thể hiện mong muốn nhu cầu, nguyện vọng của người lao động trong ngành dệt may, da giày, túi xách đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần hành động chung của các đối tác.
“Trước hết, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục có các gói hỗ trợ đi vào đời sống, tháo gỡ các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp đảm bảo chính sách an sinh cho người lao động. Đồng thời kêu gọi các đối tác EU - một trong những đối tác chiến lược của Việt Nam, thị trường bạn hàng.
Đây là hành động để hiện thực hóa hiệp định thương mại tự do mà 2 bên vừa ký và vừa được Quốc hội thông qua”, ông Hiểu nêu rõ./.
Theo : VOV.VN