Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Nền kinh tế toàn cầu như “đi trên dây"
  • 19/06/2020

  Đó là nhận định của của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về triển vọng của thế giới trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp Covid-19 đã châm ngòi cho tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong gần 10 năm qua, gây ra những thiệt hại to lớn đối với sức khỏe, việc làm và sự thịnh vượng của người dân trên toàn cầu.
nen kinh te toan cau nhu di tren day
Covid-19 buộc nhiều cửa hàng trên thế giới phải đóng cửa .

Trong bối cảnh nhiều nước bắt đầu nới lỏng các hạn chế, con đường để phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn và dễ bị tác động nếu làn sóng Covid-19 thứ hai xảy ra. Theo OECD, việc củng cố các hệ thống chăm sóc y tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng với thế giới hậu Covid-19 sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

OECD đã đưa ra 2 kịch bản tương đương nhau: một là dịch bệnh được khống chế, hai là làn sóng Covid-19 lần thứ hai xuất hiện trước cuối năm nay.

Nếu dịch Covid-19 xuất hiện làn sóng thứ hai và buộc các chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức âm 7,6% trong năm 2020 và sau đó tăng lên 2,8% trong năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nền kinh tế OECD sẽ gấp đôi tỷ lệ trước khi dịch bệnh bùng phát, và triển vọng phục hồi trong năm tới rất ít ỏi.

Nếu tránh được làn sóng thứ hai này, hoạt động kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 6% trong năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp của các nước OECD sẽ tăng từ 5,4% năm 2019 lên 9,2%.

Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài ở châu Âu sẽ gây ra những ảnh hưởng kinh tế vô cùng khắc nghiệt. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng euro được dự báo sẽ giảm 11,5% trong năm 2020 nếu làn sóng Covid-19 thứ hai xuất hiện, và cho dù có tránh được làn sóng thứ hai thì GDP của khu vực này cũng sẽ bị giảm hơn 9%. Con số này đối với Mỹ lần lượt là giảm 8,5% và 7,3%, còn Nhật Bản là giảm 7,3% và 6%. Trong khi đó, các nền kinh tế đang nổi như Brazil, Nga và Nam Phi, do phải đối mặt với những thách thức lớn vì hệ thống y tế yếu kém cộng thêm những khó khăn vì giá cả hàng hóa sụt giảm, nên trong kịch bản xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, tăng trưởng của các nước này lần lượt giảm 9,1%, 10%, và 8,2%; còn trong trường hợp không có làn sóng thứ hai, tăng trưởng kinh tế của ba nước sẽ lần lượt giảm 7,4%, 8% và 7,5%. GDP của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, lần lượt giảm 3,7% và 7,3% nếu làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện, và 2,6% và 3,7% nếu dịch bệnh được kiểm soát.

Trong cả hai kịch bản, sau giai đoạn nhanh chóng nối lại các hoạt động kinh tế trong giai đoạn đầu, nền kinh tế thế giới sẽ phải mất một thời gian dài để quay trở lại mức trước khi đại dịch bùng phát, và cuộc khủng hoảng này sẽ để lại một "vết sẹo" lâu dài - điều kiện sống suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp cao và hoạt động đầu tư yếu. Tình trạng mất việc làm xảy ra ở phần lớn các lĩnh vực, ví dụ như du lịch, khách sạn và giải trí, đặc biệt là những người lao động không chính thức, tay nghề thấp và còn ít tuổi. Theo OECD, hỗ trợ của chính phủ nhằm giúp đỡ người dân và doanh nghiệp trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 sẽ cần được tăng lên. Phát biểu trước thềm Hội nghị bàn tròn đặc biệt cấp bộ trưởng của OECD, Tổng thư ký OECD Angel Gurría cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách đã đúng khi không quá chậm chễ trong việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, và hiện nay họ nên thận trọng không được quá vội vã rút lại chúng". Ông nói thêm: "Cách các chính phủ hành động ngày hôm nay sẽ định hình thế giới hậu Covid-19 trong nhiều năm tới. Điều này không chỉ đúng ở trong nước, nơi các chính sách đúng đắn có thể khuyến khích sự phục hồi dẻo dai và bền vững, mà còn đúng trong việc các nước hợp tác cùng nhau đối phó với những thách thức toàn cầu. Hợp tác quốc tế, một điểm yếu hiện nay trong phản ứng chính sách, có thể xây dựng niềm tin và tạo ra những ảnh hưởng tích cực quan trọng".

 Theo : haiquanonline.com.vn

Tin tức liên quan