Tổng cục Hải quan đã ra một công văn chưa từng có tiền lệ: yêu cầu các cán bộ toàn hệ thống không đòi người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng mã số mã vạch nước ngoài khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Công văn đó (số 3776 ngày 9/6/2020) thực chất là “phế” quy định về mã số mã vạch tại Nghị định 74 năm 2018 đang gây cản trở vô cùng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu và tạo môi trường cho nhũng nhiễu, hạch sách. Một văn bản mang tính thông báo lại dám phế bỏ quy định trong nghị định là chuyện xưa nay hiếm nhưng tôi cho là rất dũng cảm, vì lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyện cực kỳ vô lý xuất hiện gần đây khi các nhà xuất khẩu Việt Nam bị yêu cầu phải có Giấy uỷ quyền của chủ hàng nước ngoài và Giấy xác nhận đăng ký sử dụng mã số mã vạch của Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia thuộc Bộ Khoa học Công nghệ có trụ sở tại Hà Nội trên bao bì hàng hóa xuất khẩu. Để có được các loại giấy xác nhận này, họ phải chuẩn bị hồ sơ chứng minh mã số mã vạch được cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu chứng nhận.
Doanh nghiệp có thể mất thêm 20-30 ngày để hoàn thành thủ tục để xuất được lô hàng, gấp từ 3-4 lần so với thời gian yêu cầu giao của nhiều đơn hàng, và phát sinh thêm một khoản không nhỏ các chi phí về xin xác nhận, ít nhất 500.000 đồng/hồ sơ, lưu kho, lãi vay ngân hàng… Trong khi đó, đơn hàng của nhiều ngành xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần. Nguy cơ không đảm bảo tiến độ, bị phạt, bị mất đơn hàng là nhãn tiền với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Quy định mới này trong Nghị định 74 là không có cơ sở pháp lý. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 không có bất kỳ quy định nào về mã số mã vạch. Ngay cả Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa – mà Nghị định 74 đã thay thế - cũng không quy định về mã số mã vạch.
Do đó, việc bổ sung quy định này vào Nghị định 74 là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Vậy mà quy định khai mã số mã vạch đã đi vào thực tiễn và mang lại bao nhiêu hệ lụy cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Đại diện một hiệp hội doanh nghiệp nói với tôi: “Cả ngành chúng tôi đang phát sốt phát rét và vô cùng bức xúc về quy định sử dụng mã số mã vạch vì các doanh nghiệp không thể có các loại giấy theo quy định. Các lô hàng xuất khẩu đều bị cơ quan Hải quan “tuýt còi”. Vậy là tất cả doanh nghiệp chúng tôi đều phải “biết điều” mà “chạy”.
Một doanh nghiệp khác cho biết, khi họ liên hệ với đối tác nước ngoài để đề nghị làm Giấy ủy quyền về mã số mã vạch thì đối tác nước ngoài “nổi xung” vì chưa bao giờ gặp yêu cầu quái đản đó.
Về thông lệ quốc tế, thực tế hiện nay doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sản phẩm nào đó cũng yêu cầu bên xuất khẩu in mã của mình lên bao bì, nhưng nước họ không yêu cầu phải ủy quyền và cũng không đòi cơ quan nào xác nhận. Doanh nghiệp lúng túng vì các nước chẳng ai cấp giấy mã số mã vạch theo kiểu của nước ta, đối tác nước ngoài cũng sững sờ vì chẳng nơi nào đòi như thế.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra chẳng trả lời được. Tại sao các nước nhập khẩu không đòi mà nước mình xuất khẩu lại đòi cấp mã số mã vạch, lo hộ cho các nước khác? Tại sao Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 không hề có mà Nghị định 74 lại quy định? Nhà nước lấy quyền gì mà xác nhận mã số mã vạch? Nhà nước xác nhận vậy có sự cố gì nhà nước chịu trách nhiệm không? Nhà nước xác nhận để làm gì?
Trong khi đó, thủ tục cấp giấy còn thủ công do một cơ quan duy nhất là Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia thực hiện là trái với định hướng và chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh.
Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là áp dụng điện tử hóa, phân cấp và không tạo rào cản cho người dân và doanh nghiệp. Việc chỉ có một cơ quan duy nhất ở Hà Nội cấp Giấy xác nhận này cho tất cả các doanh nghiệp trong cả nước và thủ tục cấp được thực hiện hoàn toàn còn thủ công là không phù hợp với chủ trương của Chính phủ và xu hướng hiện nay về phân cấp quản lý, điện tử hóa thủ tục hành chính, gây tốn kém chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Theo các luật hiện hành của Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu quy định. Các quy định đối với hàng xuất khẩu sẽ thực hiện theo yêu cầu nhà nhập khẩu miễn là không vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước nhập khẩu. Liên quan đến ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc, nhiều ngành hàng đã tuân thủ tuyệt đối các quy định ghi nhãn nghiêm ngặt của các nước cả chục năm nay, và họ chưa bao giờ đối mặt với quy định phải có mã số mã vạch hay kiểm tra, kiểm soát mã số mã vạch như quy định ở Việt Nam.
Việc quy định thêm một thủ tục về cấp Giấy xác nhận đối với mã số mã vạch đăng ký ở nước ngoài cho hàng xuất khẩu của Việt Nam thực chất là tạo thêm “thủ tục con”, tăng thêm gánh nặng không cần thiết về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Công văn số 3776 ngày 9/6/2020 của Tổng cục Hải quan còn yêu cầu cơ quan hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến sử dụng mã số mã vạch nước ngoài gắn trên hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra các vụ án phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu chưa có văn bản xác nhận hoặc ủy quyền sử dụng mã số mã vạch nước ngoài thì có văn bản thông báo cụ thể cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để xử lý theo quy định.
Phải nói rằng đây là thái độ rất cầu thị và dũng cảm của ngành hải quan. Tinh thần đó là rất đáng trân trọng, tháo bỏ vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh Nghị định 74 thu quyền về cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để tăng can thiệp hành chính vào các doanh nghiệp xuất khẩu và Chính phủ chưa thể tháo gỡ, sửa đổi ngay Nghị định 74. Đó chính là tinh thần kiến tạo cho doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn chồng chất thời Covid-19.
Theo : vietnamnet.vn