Tổng cục Thống kê (TCTCK) vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2020.
Theo TCTK, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5/2020 gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng tốc độ tái đàn chậm.
"Dịch Covid-19 đã được cơ bản khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn với nước ta gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu nông sản. Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản trong tháng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm", TCTK cho biết.
TCTK cho hay, vụ lúa đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 3.025,5 nghìn ha, bằng 96,8% năm trước (giảm 98,7 nghìn ha).
Tính đến giữa tháng 5, cả nước gieo trồng được 434,9 nghìn ha ngô, bằng 97% cùng kỳ năm trước; 65,4 nghìn ha khoai lang, bằng 93,3%; 131,5 nghìn ha lạc, bằng 102,1%; 23,5 nghìn ha đậu tương, bằng 107,3%; 599 nghìn ha rau đậu, bằng 100,8%.
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm vì chi phí đầu tư lớn, giá con giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp không thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại.
Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tính trong tháng 5, đàn trâu của cả nước giảm 2,1% so với cùng thời điểm năm 2019; đàn bò tăng 3,7%; đàn lợn giảm 6,2%; đàn gia cầm tăng 11,5%.
Sản xuất thủy sản tháng 5 bắt đầu được hồi phục, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm thủy sản chế biến tồn kho nhiều làm giá thu mua nguyên liệu thấp.
Sản lượng thủy sản tháng 5 ước tính đạt 797,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 581,1 nghìn tấn, tăng 1,5%; tôm đạt 87,9 nghìn tấn, tăng 5,5%; thủy sản khác đạt 128,5 nghìn tấn, tăng 0,3%.
Tháng 5 là thời điểm đang vào vụ cá Nam, giá nhiên liệu giảm sâu là điều kiện tốt cho bà con ngư dân bám biểm nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ sản phẩm có xu hướng giảm, làm giảm doanh thu của ngư dân.
Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước tính đạt 3.043 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.541,5 nghìn tấn, tăng 6,8%, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.501,5 nghìn tấn, giảm 2,2% (sản lượng khai thác biển đạt 1.437,1 nghìn tấn, giảm 2,1%).
Trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước, mặc dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 36,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 16,4%; sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 6,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 3,5%; sản xuất kim loại giảm 2,2%
Tăng thấp có một số ngành như dệt tăng 0,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 13,8%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,1%; khai thác quặng kim loại tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,6%; khai thác than tăng 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,9%; đường kính giảm 25,4%; bia giảm 24,5%; xe máy giảm 15,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 10,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10,4%; sắt thép thô giảm 9,7%; quần áo mặc thường giảm 8,2%; giày, dép da giảm 6,7%; điện thoại di động giảm 5,4%; thức ăn cho gia súc giảm 5,3%; thép cán giảm 4,7%; tivi các loại giảm 3,1%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 18,1%; bột ngọt tăng 13,1%; thép thanh, thép góc tăng 12,1%; phân ure tăng 11,3%; xăng dầu các loại tăng 10,7%; thuốc lá điếu tăng 6,6%; than sạch tăng 5,8%.
Tháng 5 là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, song song là kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 6,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,7%; may mặc giảm 2,7%; phương tiện đi lại giảm 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 8,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 175,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng mức và giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%).
Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm ước tính đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,7%) do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và du lịch nội địa chưa trở lại mạnh mẽ như cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 186,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 11,9 tỷ USD, tăng 7,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2020 giảm 15,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 0,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 22,3%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,30 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,06 tỷ USD (chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 6,9%.
Trong 5 tháng, có 17 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 18 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,3 tỷ USD, tăng 22,1%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, giảm 14,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 8,5 tỷ USD, tăng 25%.
Cùng với đó, giày dép đạt 6,8 tỷ USD, giảm 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,1 tỷ USD, giảm 12,2%; thủy sản đạt 2,8 tỷ USD, giảm 10,3%; sắt thép đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,5%; xơ, sợi dệt đạt 1,3 tỷ USD, giảm 21,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,6%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5%; sản phẩm từ sắt thép đạt 1,3 tỷ USD, giảm 5%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 19,4 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,6 tỷ USD, tăng 4,8%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2020 ước tính giảm 15,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 18,5%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 97,48 tỷ USD, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,94 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,54 tỷ USD, giảm 4,3%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 5 nhập siêu 900 triệu USD (tháng 4 nhập siêu 940 triệu USD). Tuy nhiên tính chung 5 tháng đầu năm vẫn xuất siêu 1,9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,5 tỷ USD.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tốc độ tăng vốn đầu tư công tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 5 tháng giảm 8,2%.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5/2020 ước tính đạt 31,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Trung ương 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 59,4%; vốn địa phương 25,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 26,2% và tăng 4,2%).
Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% kế hoạch năm và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 98,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.933,8 triệu USD, chiếm 73,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 721,3 triệu USD, chiếm 10,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 599,9 triệu USD, chiếm 9%.
Tác động của dịch Covid-19 cũng những nỗ lực của Chính phủ đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây (tăng 4,39%).
Lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Theo : vietnamfinance.vn