Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, chi phí logistics cao khiến giá thành sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tăng cao hơn so với các nước khác.
Ở Việt Nam, chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… chiếm tỷ lệ khá lớn vì vậy giá thành bị đẩy lên cao khiến giảm sức hút đầu tư và cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết nguyên nhân là do hiện nay ngành logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế chưa được giải quyết như: việc quy hoạch giữa các ngành liên quan chưa có sự kết nối chặt chẽ; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics cũng chưa đáp ứng được yêu cầu....
Mặc dù, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không. Hằng năm, có trên 65.000 lượt tàu thuyền đi qua biển Đông, chuyên chở khoảng 50% lượng dầu mỏ và hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới. Nhưng dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển rất chậm, khiến chi phí sản xuất trong nước rất cao, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Thị trường logistics của Việt Nam tương đương 21-25% GDP, nhưng 80% thị phần này rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, phần còn lại được chia cho khoảng 3.000 doanh nghiệp nội địa. Thị trường logistics lớn như vậy, nhưng đóng góp vào GDP hàng năm chỉ 2-3%, do chi phí quá lớn.
Nhìn chung, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh kém hấp dẫn so với mặt hàng cùng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia..., cả về nông sản, lẫn may mặc một phần là do chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước này từ 6-20%, thậm chí cao gấp 3 lần so với Singapore.
Cụ thể, Tập đoàn AEON, một trong những nhà bán lẻ lớn đầu tư vào Việt Nam, cũng là đơn vị tích cực đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, ông Shiotani Yuichiro, cho biết xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan, Philippines khi đưa vào Nhật giá bán đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.
Theo các chuyên gia bán lẻ, trong quá trình xuất khẩu, hàng hóa Việt phải chịu quá nhiều chi phí như vận tải nội địa, phí và phụ phí vận tải do các hãng tàu tự ý thu của chủ hàng. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore.
Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. Chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới.
Để giảm chi phí không đáng có khi xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, phải thực hiện đồng bộ rất nhiều việc, như hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics... Trong số đó, phải tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 dịch vụ logistics đóng góp từ 9-11% tỷ trọng GDP; tốc độ tăng trưởng từ 17-21%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 14-17% GDP của thành phố. Đưa vào hoạt động 2 trung tâm logistics; 2 cảng cạn ICD; 1 cảng thủy container quốc tế; 5 trung tâm tiếp vận và một số hệ thống kho chuyên dụng.
Nguồn: Sưu tầm.