TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa tiếp tục công bố báo cáo đánh giá về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam.
Báo cáo cho biết, khởi nguồn từ Vũ Hán - Trung Quốc từ đầu tháng 12/2019, đến hết ngày 11/4/2020, đại dịch Covid-19 đã lan ra tại 210 quốc gia/vùng lãnh thổ, với gần 1,8 triệu ca nhiễm, hơn 108 nghìnca tử vong. Đến nay, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và còn lây lan nhanh, diễn biến phức tạp tại Châu Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á; tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam; trong đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động tiêu cực. Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh nguồn lực luôn có hạn, cần thiết kế và thực thi các gói hỗ trợ nhanh và hiệu quả, vậy làm thế nào để xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ.
Tại báo cáo này, nhóm tác giả tập trung vào 3 nội dung chính: (i) tóm tắt cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới và Việt Nam; (ii) Đánh giá tác động của đại dịch đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam; và (iii) Gợi ý một số giải pháp.
Tóm tắt tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới và Việt Nam
Đối với kinh tế thế giới, đầu tháng 4/2020, nhiều tổ chức quốc tế đã có những phân tích, cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Theo kịch bản cơ sở của Citi Research (công bố ngày 7/4/2020), kinh tế thế giới sẽ suy thoái, tăng trưởng -2,3% năm 2020 (so với mức tăng trưởng 2,6% năm 2019, suy thoái hơn mức -1,7% năm 2009), trong đó tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 2,4% (so với mức tăng 6,1% năm 2019), của Mỹ -2,6% (so với mức tăng 2,3% năm 2019), của Nhật Bản -1,9% (so với mức tăng 0,7% năm 2019) còn khu vực đồng tiền chung Châu Âu thậm chí tăng trưởng -8,4% (so với mức tăng trưởng 1,2% năm 2019).
Đối với lạm phát, trong bối cảnh tổng cầu, giá dầu và năng lượng giảm mạnh, nên dù nhiều nước kích thích kinh tế, giá thực phẩm và dịch vụ y tế tăng, nhưng lạm phát toàn cầu vẫn ở mức khá thấp, khoảng 2,2% (so với mức 2,5% năm 2019). Kịch bản tăng trưởng này sẽ còn được cập nhật, còn thay đổi; mức độ như thế nào còn tùy thuộc vào 3 yếu tố: (i) khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia, (ii) hiệu quả của các chính sách/gói hỗ trợ, và (iii) hiệu quả hợp tác quốc tế (trong phòng chống đại dịch).
Đối với Việt Nam, có thể thấy Việt Nam là nước chịu tác động mạnh và trực tiếp, cả phía cầu và phía cung. Theo đó, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã có Báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (phát hành ngày 10/04/2020), trong đó đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng.
Với kịch bản cơ sở, nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, các biện pháp của Chính phủ trong phòng chống dịch cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân tiếp tục phát huy hiệu quả, dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát trong quý 2/2020 và các hoạt động kinh tế, xã hội sớm trở lại "bình thường" từ tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020. Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP VN năm 2020 sẽ giảm khoảng 1,8 đến 2 điểm %, tương đương mức tăng trưởng khoảng từ 4,81-5,01% (trong đó, quý 1 đạt mức tăng trưởng 3,82%; quý 2 dự báo tăng 3,45-3,67%; 6 tháng đầu năm dự báo tăng 3,81-4,05%).
Với kịch bản tích cực, các nước trên thế giới đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa, cách ly không bị kéo dài (đỉnh dịch tại Mỹ và châu Âu rơi vào cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, sau đó Mỹ và châu Âu có thể khống chế dịch trong tháng 6/2020) và đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào giữa quý 3/2020; hoạt động sản xuất -kinh doanh sớm hồi phục từ cuối quý 3. Tại Việt Nam, với giả định dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong tháng 4/2020 hoặc giữa tháng 5/2020; hoạt động sản xuất – kinh doanh được khởi động ngay sau đó. Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 1,4 điểm % và đạt mức 5,4-5,6%.
Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, đại dịch không được kiểm soát đến hết quý 3, bất chấp nỗ lực ứng phó của Chính phủ các nước. Còn tại Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát trong quý 2, nhưng chịu tác động tiêu cực từ tổng cung và tổng cầu từ bên ngoài. Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam giảm khoảng 2,58 điểm %, đạt mức 4,07-4,42% năm 2020.
Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam
Phương pháp luận: Để đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến các ngành kinh tế, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 15 ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 và cũng là các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam (chiếm khoảng 78% GDP năm 2019).
Nhóm nghiên cứu căn cứ vào 3 tiêu chí cơ bản đã thực tế xảy ra trong quý 1/2020: (i) kim ngạch xuất-nhập khẩu hoặc sản lượng/doanh thu tính đến cả yếu tố đầu vào và đầu ra (trọng số chiếm 50%) so với cùng kỳ năm 2019; (ii) giá cổ phiếu của những nhóm ngành này niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam so với đầu năm (thể hiện đánh giá, nhận định của nhà đầu tư, mang tính thị trường cao, trọng số chiếm 50%); và (iii) tham khảo số liệu về số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong quý 1/2020. Với kết quả tính toán, nếu mức độ giảm dưới 5% được coi là tác động nhỏ, giảm từ 5-10% được coi là tác động vừa phải và giảm trên 10% là tác động lớn.
Về việc lựa chọn ngành, lĩnh vực chi tiết để đánh giá:
Với lĩnh vực nông nghiệp và phụ trợ: nhóm nghiên cứu lựa chọn các ngành sản xuất, chế biến nông-thủy sản, trong đó tập trung đánh giá một số mặt hàng chịu ảnh hưởng về hoạt động thương mại (mức độ tăng giảm của kim ngạch xuất nhập khẩu, phản ánh khó khăn cả đầu vào và đầu ra). Bên cạnh đó, nhóm cũng đánh giá một số lĩnh vực là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (như hóa chất nông nghiệp –gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) là các lĩnh chịu tác động gián tiếp khi nông nghiệp chịu ảnh hưởng.
Với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: nhóm nghiên cứu lựa chọn các ngành chịu ảnh hưởng về đầu vào (do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nhất là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU) hoặc đầu ra (do sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhất là từ 5 thị trường vừa nêu) hoặc chịu ảnh hưởng do những biến động mạnh về giá hàng hóa trên thị trường. Trong đó, nhóm nghiên cứu lựa chọn 6 ngành chính: dệt may, da giày; sản xuất giấy; sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất, kinh doanh thép; khai khoáng và xây dựng. Riêng lĩnh vực điện thoại, điện tử, điện máy và linh kiện: tỷ lệ nội địa hóa rất thấp (khoảng 5-10%), tỷ trọng đóng góp trong nước trong xuất khẩu cũng rất thấp (khoảng 8%) và tình hình sản xuất, xuất khẩu trong quý 1/2020 vẫn tăng khá, nên không đưa vào mô hình đánh giá (mức độ tác động của dịch Covid-19 là tương đối nhỏ).
Với lĩnh vực dịch vụ: nhóm nghiên cứu lựa chọn các lĩnh vực chịu ảnh hưởng do biến động về tổng cầu và xáo trộn hoạt động do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam cũng như các nước. Theo đó, nhóm nghiên cứu lựa chọn 7 ngành chính: du lịch; vận tải, kho bãi; bán lẻ; tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; kinh doanh BĐS; dịch vụ y tế; và giáo dục, đào tạo.
Đánh giá tác động chi tiết
Lĩnh vực nông-lâm nghiệp-thủy sản: khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp
Nhiều mặt hàng nông nghiệp, chủ yếu là nông - thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn trong quý 1/2020 vì đại dịch Covid-19, lúc đầu là thị trường Trung Quốc, sau đó là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và từ đầu tháng 3 là thị trường Mỹ, EU và ASEAN.
Hàng nông-thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường rất đa dạng nhưng chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là các loại rau, quả tươi, thủy sản do đây là các sản phẩm tươi hoặc sơ chế, khó có thể bảo quản lâu dài. Trong giai đoạn cao điểm của dịch, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn này đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại – giao thương, dẫn đến việc hủy hàng loạt hợp đồng xuất khẩu; mặt khác còn do thiếu nhân lực và các thủ tục kéo dài vì phải tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh. Vì lẽ đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm sản giảm 4,5%, thủy sản giảm 11,2% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ; trong đó có nhiều mặt hàng giảm mạnh như cao su (-26,1%), rau quả (-11,5%), cafe (-6,4%)…v.v. Theo đó, giá cổ phiếu ngành thủy sản giảm gần 2% quý 1/2020 so với đầu năm (theo HSE).
Ngành phụ trợ nông nghiệp chịu ảnh hưởng gián tiếp, thể hiện qua sản lượng của ngành hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp giảm (-5%) so với cùng kỳ, và giá cổ phiếu ngành hóa chất giảm mạnh (-13,8%) so với đầu năm.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thường không phải là những doanh nghiệp mạnh, phát triển bền vững. Vì vậy, khi khó khăn xảy ra như dịch bệnh (cùng với cả ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL), khiến 274 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động có thời hạn trong qúy 1/2020, tăng 18,6%so với cùng kỳ năm 2019.Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: các ngành sản xuất với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy và ngành xây dựng sụt giảm do bất động sản khó khăn
Trước hết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rõ nét tới nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở ba khía cạnh. Một là, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhiều ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, sản xuất – chế biến nông sản, ô tô - xe máy, sắt - thép, lọc hóa dầu…(cũng là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo việc nhiều làm của Việt Nam), đều đang bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào. Hiện nay, nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (chiếm đến 56% nguồn cung hàng hóa trung gian cho Việt Nam năm 2019).
Hai là, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và kèm theo đó là các doanh nghiệp Việt làm đại lý cấp 1, cấp 2…thuộc các ngành nêu trên cũng bị ảnh hưởng, gặp phải hai khó khăn lớn: (i) thiếu nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản…. và (ii) thiếu lực lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ các nước đối tác.
Ba là, nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chỉ tập trung vào phân khúc gia công xuất khẩu. Dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động ngoại thương, làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ đầu ra nên các đối tác đã và sẽ còn giãn, hoãn, hủy các đơn đặt hàng, gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và sản lượng. Cụ thể, trong tháng 3/2020, nhiều doanh nghiệp của Mỹ, EU đã tuyên bố tạm ngừng nhận các đơn hàng dệt may, đồ gỗ từ Việt Nam trong 3-4 tuần. Các doanh nghiệp Hàn Quốc dù không có tuyên bố chính thức nhưng cũng đã chủ động tạm ngừng các đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 7,1% trong quý 1/2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% quý 1/2019; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các ngành chịu tác động tiêu cực khá mạnh là: (i) dệt may, da giày với kim ngạch XNK giảm trên 10% so với cùng kỳ, giá cổ phiếu dệt may giảm 18,2% và da giày giảm 6% so với đầu năm; (ii) sản xuất, kinh doanh thép với doanh thu giảm khoảng 10% và giá cổ phiếu giảm 27,4%; (iii) khai khoáng (nhất là dầu khí và than) – chủ yếu do giá dầu giảm mạnh, với kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 8% và giá cổ phiếu giảm 32%. Những ngành khác như sản xuất giấy và xây dựng chịu tác động ở mức độ "vừa phải" (Bảng 1).
Lĩnh vực dịch vụ: chịu tác động mạnh do tổng cầu giảm (cả trong và ngoài nước)
Ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành du lịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành). Thu từ khách du lịch quốc tế đóng góp khoảng 6,1% GDP năm 2019, trong đó các thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp tới 61,4% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, tăng cường kiểm dịch nên nhu cầu du lịch sụt giảm mạnh. Tương tự, dịch bệnh cũng làm giảm nhu cầu du lịch trong nước khi Chính phủ thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ nhiều lễ hội, hội nghị và gần đây là cách ly toàn xã hội. Trong quý I/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lượng khách trong nước giảm 6%, doanh thu toàn ngành giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, giá cổ phiếu của nhóm du lịch lữ hành giảm rất mạnh (-33,2%) so với đầu năm. Trong khi đó, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống quý 1/2020 tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với đó là ngành vận tải, kho bãi chịu tác động rất mạnh. Theo Bộ GTVT, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 30.000 tỷ đồng doanh thu (tương đương giảm 60% so với cùng kỳ), doanh thu ngành đường sắt, đường bộ giảm trên 20%. Theo TCTK, số lượng hành khách chuyên chở của ngành trong quý 1/2020 giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (quý 2/2020 dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn do các lệnh phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại, nhất là khu vực Châu Âu, Mỹ và ASEAN). Tương tự như lĩnh vực du lịch, giá cổ phiếu của nhóm vận tải, kho bãi giảm rất mạnh (-32,8%) so với đầu năm; và số doanh nghiệp vận tải – kho bãi tạm ngừng hoạt động trong quý 1/2020 tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Bán lẻ cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, chủ yếu do tổng cầu giảm. Tuy nhiên, có điểm tích cực là thay vì đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng có xu hướng gia tăng sử dụng thương mại điện tử do ưu điểm không phải đến nơi đông người, hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi. Cơ cấu tiêu dùng cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng mua sắm hàng hóa thiết yếu (thực phẩm, lương thực), dược phẩm (thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe), các dịch vụ giải trí tại nhà (truyền hình số, game online…). Về tổng thể, doanh thu bán lẻ tăng nhẹ 4,7% (tăng 1,6% nếu loại trừ yếu tố giá, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,3% trong quý 1/2019). Chính vì vậy, cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ giảm rất mạnh (-41%) so với đầu năm và số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ tạm ngừng hoạt động tăng 21% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm chứng kiến doanh thu giảm không nhiều trong quý 1/2020 (-2%) so với cùng kỳ, vì đây là lĩnh vực chịu tác động gián tiếp nhiều hơn và có độ trễ (khách hàng khi khó khăn, bắt đầu giảm sử dụng các dịch vụ, hấp thụ vốn kém và nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh) và được nhà đầu tư đánh giá tiềm ẩn rủi ro cao, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh (trên 20%) so với đầu năm.
Cụ thể, đối với ngành ngân hàng, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tín dụng của khách hàng (hết quý 1/2020, tín dụng tăng 1,3% thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,2% cùng kỳ năm 2019, theo NHNN) làm sụt giảm doanh thu, cũng như tăng rủi ro về nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giãm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng; khiến giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh (-22,4%) so với đầu năm.
Trên thị trường chứng khoán, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã phản ánh rõ nét. Tính đến hết 31/3/2020, chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh (-31%) so với đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33 phiên liên tiếp với giá trị bán ròng cả quý 1 khoảng 9.200 tỷ đồng; giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán giảm 28% so với đầu năm. Lĩnh vực bảo hiểm cũng chịu tác động kép: (i) nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm (kể cả nhân thọ và phi nhân thọ) đều bị cắt giảm do người mua khó khăn về kinh tế, thu nhập; và (ii) tỷ lệ chi trả bảo hiểm (nhất là bảo hiểm y tế tăng) khiến doanh thu của ngành giảm. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm mạnh (-35,2%) so với đầu năm.
Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chịu ảnh hưởng rõ nét nhất là lĩnh vực cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ. Tình trạng dịch bệnh đã khiến người dân hạn chế mua sắm trực tiếp tại các trung tâm thương mại (giảm khoảng 70-80% trong tháng 2 và 3 – theo CBRE; nhiều chủ cửa hàng đã trả lại mặt bằng, hoặc đàm phán để người cho thuê giảm giá và nhiều đơn vị chủ sở hữu mặt bằng cũng đã chủ động giảm 20-40% giá thuê. Còn với khối văn phòng, bệnh dịch làm trì hoãn hoạt động đầu tư ở khối này và tăng trưởng cho thuê sẽ chậm hơn do số người làm việc từ xa tăng, giảm tỷ lệ sử dụng văn phòng, do đó các chủ nhà với hợp đồng thuê ngắn hạn sẽ là đối tượng dễ bị thiệt hại nhất. Theo CBRE, với kịch bản dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý 2/2020, tỷ lệ trống phân khúc văn phòng tại TP.HCM tăng từ 7-14%.
Trong khi đó, khách sạn hầu như vắng khách, lượt khách du lịch giảm đã kéo theo công suất tiêu thụ phòng của các khách sạn cao cấp giảm 40-60% quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc căn hộgặp khó khăn khi nhu cầu mua để ở, mua để đầu tư và nhóm khách nước ngoài đều giảm, lượng giao dịch trong quý giảm đến 80% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3% (theo Hiệp hội môi giới BĐS); còn tại TP.HCM, tỷ lệ tiêu thụ căn hộ quý 1/2020 giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh đó, mặc dù giá trị sản phẩm ngành tăng nhẹ (2,65%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,75% quý 1/2019; nhưng giá cổ phiếu nhóm ngành này giảm mạnh (-26,3%) trong quý 1/2020 so với đầu năm. Đặc biệt, số doanh nghiệp kinh doanh BĐS tạm ngừng hoạt động tăng mạnh nhất (94,1%) trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Lĩnh vực dịch vụ y tế chịu tác động hai chiều, nhưng tiêu cực nhiều hơn. Điểm tích cực là đầu tư và chi ngân sách cho lĩnh vực này đã và đang tăng (+1,5% so với cùng kỳ năm 2019), tiềm năng phát triển lâu dài sáng sủa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này (nhất là các bệnh viện tư) lại chịu giảm doanh thu do nhu cầu chữa các bệnh khác (không phải dịch Covid-19) giảm đáng kể, trong khi phải tăng chi để trang trải các biện pháp phòng ngừa rủi ro dịch bệnh…v.v. Vì lẽ đó, cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ y tế giảm 12,7%so với đầu năm và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 24,2% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019.
Một lĩnh vực dịch vụ khác chịu tác động lớn từ đại dịch này là ngành giáo dục, đào tạo. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố quyết định đóng cửa trường học các cấp và liên tục gia hạn khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhiều trường học, đặc biệt là khối dân lập, tư thục đã chịu sự sụt giảm mạnh về doanh thu trong khi vẫn phải gánh nhiều chi phí về mặt bằng, lương cho giáo viên, nhân viên…v.v. Ngoài ra, toàn bộ chương trình đào tạo của ngành đã bị xáo trộn, gây phát sinh thêm nhiều chi phí để xây dựng, thiết kế lại chương trình. Theo đó, cổ phiếu lĩnh vực đào tạo và việc làm giảm mạnh (-30,5%) so với đầu năm và số doanh nghiệp kinh doanh giáo dục – đào tạo tạm ngừng hoạt động trong quý 1/2020 tăng 24,5% so với cùng kỳ.
Với phương pháp luận, phân tích và nhận định như trên; có thể thấy có đến 9 ngành kinh tế chịu tác động mạnh với mức độ thiệt hại "lớn" và 6 ngành chịu tác động ở mức độ "vừa phải" (Bảng 1).
Năm gợi ý từ kết quả đánh giá:
Theo Nhóm tác giả, cần khẳng định nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay của Việt Nam tiếp tục là phòng chống dịch hiệu quả,góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và trật tự xã hội.
Song song với việc kiểm soát dịch bệnh, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo: (i) Gói chính sách tiền tệ - tín dụng (cơ cấu lại, giãn-hoãn nợvà xem xét giảm lãi đối với tổng dư nợ chịu ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng; gói cho vay mới với tổng hạn mức cam kết khoảng 300.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn tín dụng thông thường từ 1-2,5%/năm); (ii) Gói tài khóa (giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất, giảm một số sắc thuếvàphí với tổng giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng); và (iii) gói an sinh xã hội với tổng giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người lao động và đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên, việc triển khai các gói hỗ trợ hiện nay có thể chậm, lúng túng và khó đảm bảo công khai, minh bạch, nhất quán, nhanh và hiệu quảnếu thiếu hướng dẫn cụ thểvề tiêu chí đối tượng hỗ trợ (cần có phân nhóm cụ thể). Nhóm nghiên cứu kiến nghị nên căn cứ, tập trung vào ít nhất là 15 ngành, lĩnh vực nêu trên và khối DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ (đa số các nước đều hỗ trợ đối tượng này, gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam chưa bao gồm nhóm DN qui mô vừa);và hộ kinh doanh cá thể (có đăng ký kinh doanh và nộp thuế).
Những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế cần hỗ trợ nên được rà soát, đánh giá, bổ sung và điều chỉnh kịp thời, ít nhất là hàng quý trong năm 2020, đảm bảo trúng, đúng và không bỏ lại phía sau những đối ượng thực sự cần hỗ trợ.
Cần cập nhật kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và kết quả điều hành quý 1/2020; nhất là kịch bản, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội ngay sau khi dịch bệnh cơ bản kết thúc tại Việt Nam.