- Cơ hội tiến vào thị trường Canada cho doanh nghiệp Việt Nam
-
23/04/2019
Lộ trình giảm thuế khá nhanh của Canada, từ 17-18% xuống 0% trong vòng 3 năm sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng được dự báo tăng trưởng mạnh như dệt may, giầy dép, đồ gỗ.
Tại buổi tiếp ông Chris Forbes, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại 2 nước đạt 3,87 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Canada đạt 3,01 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2017, nhập khẩu đạt 858 triệu USD, tăng 10,1%. Từ năm 2019, một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada được dự báo tăng trưởng mạnh như dệt may, giầy dép, túi xách, nhựa, đồ gỗ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện Canada là đối tác thương mại thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ (sau Hoa Kỳ và Brazil) và ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khối ASEAN.
Việt Nam đang là nước có lợi thế trong trao đổi thương mại với Canada với giá trị xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.
Qua việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, thị trường Canada mang lại rất nhiều cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt đối với một số mặt hàng như thủy sản được hưởng thuế suất 0% ngay từ ngày 14/1/2019.
Hiện các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada gồm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, hạt điều, túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù, sản phẩm từ sắt thép.
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Canada các sản phẩm đầu vào cho sản xuất, bao gồm: lúa mì, đậu tương, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phân bón các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Từ cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu chính của hai nước cho thấy cơ cấu ngành hàng của Việt Nam và Canada có sự bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp.
Đây là yếu tố thuận lợi trong hợp tác thương mại giữa hai nước, nhất là khi CPTTP có hiệu lực.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), thủy sản hiện đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
Canada đang tiêu thụ với giá trị 240 triệu USD hàng thủy sản từ Việt Nam; trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này như cá basa chiếm gần 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada; tôm bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada, chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu; cá ngừ vàng mắt to đông lạnh chiếm 89% thị phần.
Trước đây, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (MFN) của Canada đối với các mặt hàng này từ 4-5%, nhưng nay theo cam kết CPTPP thuế suất cho các mặt hàng này giảm về 0%.
Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Canada.
Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada và hiện các công ty lớn của nước này có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí.
Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên giới thiệu và tiếp cận với các nhà bán lẻ lớn của Canada.
Đối với mặt hàng đồ gỗ, Canada đang tiêu thụ 166 triệu USD sản phẩm này. Canada cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung cấp sản phẩm đồ gỗ cho toàn bộ thị trường Bắc Mỹ, đồng thời đang quan tâm nhiều đến đồ gỗ cung cấp cho khách sạn cao cấp tại Mỹ và Canada.
Vì vậy, khi xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Canada, các doanh nghiệp nên chú trọng đến chất liệu chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết. Màu sắc, chất lượng hàng giao phải đúng mẫu mã, nếu có thay đổi phải báo trước. Khi gặp hỏng hóc, gãy đổ trong quá trình vận chuyển cần nhanh chóng khắc phục.
Với mặt hàng dệt may, hiện xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada.
Mặc dù thị trường quần áo của
Canada có dung lượng nhỏ, nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty đều phân phối tại thị trường Mỹ cũng như các nước khác nên đây sẽ là cơ hội rộng mở cho mặt hàng này của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Canada sẽ giảm từ 17-18% xuống còn 0% khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi.
Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường việc quảng bá hàng Việt Nam theo các hình thức tổ chức đoàn doanh nghiệp dệt may sang Canada.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần giới thiệu năng lực sản xuất và tiếp xúc với từng đối tác lớn của Canada.
Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, có khoảng 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức hiện tại.
Về cơ bản Việt Nam có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ mặt hàng giày dép nên khả năng được hưởng ưu đãi thuế cao. Hiện, giày dép Việt Nam chủ yếu do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất và họ có kênh phân phối riêng tại thị trường Canada và Bắc Mỹ.
Để thâm nhập thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xúc tiến thương mại các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như dép sandal, dép đi trong nhà, giày da, ủng đi mưa… qua hình thức kết nối giao thương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Canada đặc biệt quan tâm đến lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam đối với một số sản phẩm nông sản như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản, hoa quả tươi.
Đây cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng cường xuất khẩu mặt hàng này sang Canada trong những năm tới./.
Nguồn: Vietnamplus.vn