Theo ông Diệp Thành Kiệt, xét về dài hạn từ nay đến năm 2025, thậm chí đến năm 2035, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cạnh tranh tốt cả về chi phí lao động, thu nhập trên đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu. Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Kiệt thông tin, giai đoạn từ 2010-2016, thu nhập bình quân của Việt Nam mới chỉ đạt 2.200 USD/người/năm, trong khi Trung Quốc là 8.200 USD/người/năm. Chi phí sản xuất đang tăng tại Trung Quốc tạo áp lực lên nhà đầu tư nước ngoài. Với mức lương lao động trung bình hiện 400 USD/tháng/người tại Trung Quốc, theo ông Kiệt, điều này khiến ngành sản xuất giày dép xuất khẩu của quốc gia đông dân nhất thế giới chững lại đáng kể.
Xét về thị trường xuất khẩu giày dép, Việt Nam vẫn đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu giày dép vào Mỹ với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là 14,2% trong năm 2016. Trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc vào Mỹ theo ông Kiệt đã giảm đáng kể.
Cùng quan điểm này, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ cũng thông tin năm 2016 Mỹ đã chi 1,2 tỉ USD để mua giày dép được sản xuất từ Việt Nam. “Điều này cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày vào thị trường Mỹ vẫn mạnh và chắc chắn. Việt Nam với những cải cách về kinh tế, dự báo ngành da giày sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Matt Priest dự báo.
Thông tin từ Lefaso, năm 2016 xuất khẩu da giày đạt trên 13 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Trong 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày cũng tăng gần 11% với 2,1 tỉ USD.
LEFASO VIETNAM