Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành da giày: Tăng liên kết để cạnh tranh
  • 10/08/2016

Với kim ngạch XK đạt gần 7,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm cùng với mức tăng trưởng từ 8-9%, ngành da giày dự kiến sẽ về đích 16,5 tỷ USD trong năm 2016. Theo nhận định của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong bối cảnh hội nhập, cơ hội của ngành da giày là rất lớn, tuy nhiên để tận dụng được lợi thế các DN trong ngành phải tăng cường liên kết để nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, Việt Nam đang đứng  vị trí thứ 4 về XK giày dép trên thế giới với 4,3% thị phần. So với các nước khác, ngành da giày Việt Nam có nhiều lợi thế hơn nhờ sự ổn định chính trị, chi phí nhân công thấp và có cơ chế chính sách hướng đến XK. 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, cơ hội thúc đẩy XK các sản phẩm giày dép vào nhiều thị trường trong thời gian tới rất cao nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA. Cụ thể, thuế NK da giày sang Hàn Quốc đã được xóa bỏ từ năm 2016. Ngay sau khi FTA Việt Nam-EAEU có hiệu lực, mặt hàng giày dép có mũ bằng cao su XK sang 5 nước Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) cũng đã được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Tương tự, nhiều mặt hàng giày dép chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm sau đó. Đây là lợi thế rất lớn cho ngành da giày vì 12 nước thuộc TPP đang chiếm 45% tổng kim ngạch XK  sản phẩm da giày Việt Nam. Với thị trường EU, Việt Nam đang chiếm 33% thị phần, khi có FTA 44% dòng thuế giày dép tương đương 42% tổng giá trị Việt Nam XK vào EU được hưởng lợi ngay khi FTA có hiệu lực...

Mặc dù có nhiều cơ hội, tuy nhiên, theo Lefaso, ngành da giày cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, phần lớn DN trong nước là DN nhỏ và vừa, là nguyên nhân tạo nên những điểm yếu của ngành như thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu đội ngũ lãnh đạo cao cấp, thiếu năng lực quản trị và năng suất. Hiện tại, năng suất sản xuất của DN Việt chỉ bằng 60-70% các DN FDI. Bên cạnh đó, DN còn đối mặt với chi phí ngày càng tăng. Do vậy, khả năng đáp ứng được các quy định của các FTA, trong đó các vấn đề mấu chốt như tiêu chuẩn lao động, môi trường, nguyên tắc xuất xứ là thách thức. 

Nhận định và hướng đi cho ngành da giày trong tình hình hiện nay, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng, để cho ngành da giày túi xách tăng trưởng, một trong những giải pháp chính là phải thông qua các FTA đã kí kết và đang chờ phê duyệt, vì các FTA này đang hứa hẹn đem lại sự tăng trưởng cho ngành da giày không phải  dựa vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu mà là “ăn” vào thị phần của các nước khác không có các FTA như Việt Nam. Do đó việc chuẩn bị cho các Hiệp định này là rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn này. Để tận dụng được các cơ hội từ các FTA mang lại thì việc quan trọng là phải chuẩn bị để có được hàm lượng giá trị nội vùng. 

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã hết sức quyết liệt  để hỗ trợ ngành da giày nâng cao tỉ lệ nội địa hóa bằng việc ban hành nhiều nghị định và thông tư trong  đó đặc biệt là nghị định về công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, Lefaso cũng có sự chuẩn bị ráo riết. Ngày 15-7 vừa qua, Lefaso đã khai trương Trung tâm Dịch vụ Da giày Việt Nam với 3 chức năng lớn là trưng bày về nguyên phụ liệu trong đó phần lớn là nguyên phụ liệu trong nước sản xuất;  tập trung đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu về môi trường vì môi trường và lao động đang là vấn đề quan trọng trong các  FTA. Đặc biệt là các nước EU đang đặt rất nặng về hàng rào kĩ thuật, nếu chúng ta không đáp ứng được các điều kiện về kĩ thuật, lao động, môi trường thì các FTA sẽ trở nên vô nghĩa. 

Do đó, để tận dụng được cơ hội, ngành da giày cần tập trung vào các mũi nhọn như chủ động được nguồn nguyên liệu để được hưởng các quy định về xuất xứ, nâng cao tự động hóa và có được các sản phẩm đặc thù của Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện về môi trường và lao động. Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh, các DN da giày phải tăng cường liên kết cả chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, đối với chuỗi liên kết dọc phải tạo liên kết giữa DN sản xuất giày dép với DN sản xuất nguyên phụ liệu và DN logistic. Đối với chuỗi liên kết ngang phải có sự gắn kết giữa các nhà máy sản xuất cùng một loại sản phẩm với nhau. Việc tăng cường liên kết không chỉ giúp ngành da giày khẳng định vị thế tại thị trường nội địa mà còn nâng cao sức cạnh tranh tại các thị trường XK

theo haiquanonline.com

Tin tức liên quan