Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015
  • 14/12/2015
 Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Ngoại giao chỉ đạo tổ chức nhằm mục tiêu góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) trở thành nhân tố tích cực của Châu Á.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp của VCCI và Báo Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp tổ chức.

                                                                   

Đây là cơ hội để các nhà quản lý, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được tuyên truyền thông tin, nâng cao nhận thức, nắm bắt và hiểu rõ tính tích cực, mức độ tác động của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) về xóa bỏ hàng rào thuế quan với thuế suất bằng 0% cho các nước thành viên, trong nhiều hiệp định thương mại khu vực (RTA) và hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP).

Thông qua Diễn đàn, các nhà chiến lược đã cùng hoạch định cách thức, phương pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN thời gian tới. Trên cơ sở đó, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, mở rộng tự do hóa kinh tế với các nước thành viên, tạo thuận lợi về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN, góp phần tạo dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm Việt Nam trong tiến trình hợp tác khu vực và hội nhập quốc tế.

Tham dự Diễn đàn có: TS. Vũ Tiến Lộc– Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; Ông Nguyễn Hồng Cường – Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao; Ông Hoàng Xuân Hòa – Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương; TS. Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI; TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM); Ông Nguyễn Sơn – Phó chánh văn phòng, BCĐ liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Đặng Xuân Dũng – Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam.

Diễn đàn còn có sự tham dự của các đại sứ quán Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Indonesia; đại diện chính quyền các tỉnh Lào Cai, Đồng Nai, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, An Giang…; lãnh đạo Sở Công thương, Sở Ngoại vụ các tỉnh; đại diện các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

                                                            

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Chỉ còn 2 tuần nữa cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành (1/1/2016). Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, có 4 yếu tố cấu thành cộng đồng kinh tế AEC đó là đảm bảo tự do lưu chuyển hoàng hóa, dịch vụ, đầu tư và vốn.
            

Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 4 trụ cột gồm: Thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; Một khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển kinh tế đồng đều; Hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở 4 trụ cột này, hiện ASEAN đang xây dựng lộ trình cho 10 năm tiếp theo.

Tại Diễn đàn, ông Dũng đã thông tin thêm về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, TPP hình thành từ cuối năm 2005 tại Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Tháng 9/2008: Hoa Kỳ tham gia và khởi đầu của TPP mới. Tháng 11/2008, Australia và Peru tham gia.

Đầu 2009, Việt Nam tham gia với tư cách thành viên liên kết (Associate member – một dạng quan sát viên đặc biệt), chính thức từ tháng 11/2010, sau 3 phiên đàm phán. Tháng 10/2010, Malaysia tham gia. Tháng 12/2012: Canada và Mexico tham gia. Tháng 7/2013: Nhật Bản, thành viên thứ 12. Tháng 6/2015: Hoa Kỳ thông qua Quyền đàm phán nhanh (TPA). Cuối tháng 10/2015: Hội nghị Bộ trưởng TPP kết thúc đàm phán tại Atlanta.

Một số nội dung đàm phán quan trọng của TPP gồm:  Hàng hóa: xóa bỏ gần như 100% thuế nhập khẩu; Dịch vụ và đầu tư: mở cửa cao hơn WTO; Mua sắm của Chính phủ: Thống nhất sẽ có một bộ quy tắc khá toàn diện về mua sắm công; mở cửa thị trường cho các Thành viên TPP tham gia đấu thầu.

TPP yêu cầu các DNNN tham gia phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền; Các DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin và nhà nước không không trợ cấp quá mức cho các DN này.

Về sở hữu trí tuệ, tham gia TPP, các DN có thể nâng cao mức độ bảo hộ sáng chế và vấn đề dược phẩm cũng như dữ liệu thử nghiệm cho dược phẩm và nông hóa phẩm; Nâng cao mức độ và kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; Siết chặt thực thi (bảo vệ) quyền SHTT, đặc biệt là đối với quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường số; Xử lý hình sự các vi phạm và vấn đề xử lý hành chính.

Hiệp định TPP cũng yêu cầu các nước phải ban hành văn bản pháp luật và áp dụng trên thực tế 4 tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Liên quan tới Hiệp định FTA với EU, ông Dũng thông tin: FTA với EU được khởi động từ 10/2012 (sau TPP 2 năm). kết thúc các nội dung kỹ thuật tháng 7/2015; kết thúc đàm phán cấp Bộ trưởng đầu tháng 8/2015 (Việt Nam là nước thứ 2 trong khu vực (sau Singapore) kết thúc đàm phán với EU. FTA với EU chính thức kết thúc đàm phán tháng 11/2015 (ký văn bản kết thúc đàm phán dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo hai bên). Nội dung cam kết về cơ bản tương tự như TPP nhưng tiêu chuẩn thấp hơn chút ít (riêng lĩnh vực mua sắm của Chính phủ thì tiêu chuẩn cao hơn và có thêm cam kết về bảo hộ Chỉ dẫn Địa lý – GI).

Về cơ hội khi tham gia các Hiệp định này, ông Dũng khẳng định: Chúng ta có cơ hội tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta còn có cơ hội tăng công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tham gia FTA với EU còn giúp Việt Nam tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh; Cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn (tham gia vào các chuỗi cung ứng mới).
Theo: VCCI - Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam

Tin tức liên quan