Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam (Vietnam FTA Portal – FTAP, địa chỉ: fta.gov.vn) là công cụ tra cứu thông minh, tiên tiến, giúp doanh nghiệp và người dân tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Ra đời với phương châm “doanh nghiệp và người dân làm trung tâm”, Cổng FTAP hỗ trợ nâng cao chất lượng thực thi FTA, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Sau gần 4 năm hoạt động, Cổng FTAP đã trở thành “địa chỉ đỏ” cung cấp thông tin hữu ích, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến và ứng dụng các FTA vào thực tế.
Để làm rõ hơn những lợi ích mà Cổng FTAP mang lại cho người dân, doanh nghiệp, địa phương, ngành hàng, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso).
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương
Thưa bà, để giúp các doanh nghiệp thành viên thực hiện tốt nhất các cam kết và hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA, thời gian qua, Hiệp hội đã có những chương trình, hành động cụ thể như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp? Cổng FTAP đã có tác động, hỗ trợ như thế nào đến quá trình thực thi FTA của các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội?
Trước hết, tôi xin khẳng định rằng, Cổng thông tin FTAP đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành da giày.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và thực hiện cam kết FTA là một nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội. Trong thời gian qua, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động như các hội nghị quốc tế, hội nghị xúc tiến xuất khẩu, và tham gia các chương trình tại nước ngoài. Tại đây, Hiệp hội không chỉ truyền tải thông tin mà còn giới thiệu lợi thế của các FTA ngành hàng đến bạn hàng quốc tế.
Nhờ những nỗ lực này, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của Việt Nam đến các thị trường có FTA như EU (EVFTA) hay CPTPP đã tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy giảm đơn hàng, ngành da giày vẫn duy trì ổn định nhờ những ưu đãi về thuế và lợi thế cạnh tranh mà các FTA mang lại.
Đóng góp vào kết quả chung đó là vai trò vô cùng quan trọng của Cổng FTAP. Đây là một công cụ rất hữu ích trong việc giúp doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật thông tin từ các FTA, giảm thiểu thời gian tìm kiếm từ các nguồn tài liệu dày đặc. Tuy nhiên, để Cổng FTAP phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự lan tỏa tốt hơn, đặc biệt đến các doanh nghiệp nhỏ vốn chưa tiếp cận nhiều.
Trong thời gian tới, để Cổng FTAP phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình cần tăng cường các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo, thông qua cả các hoạt động của Hiệp hội và Bộ Công Thương. Đồng thời, tính tương tác của Cổng FTAP cũng rất quan trọng. Cần tạo điều kiện để người dùng đóng góp ý kiến, giúp cải tiến và mở rộng nội dung, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế.
Ví dụ, gần đây Việt Nam đã ký kết Hiệp định FTA với UAE, tuy nhiên, thông tin chi tiết về cách triển khai và lộ trình tiếp cận thị trường này vẫn còn thiếu. Doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ kịp thời để chuẩn bị kỹ càng, tránh bỏ lỡ cơ hội. Đây là một trong những vấn đề mà Hiệp hội đang quan tâm và mong muốn đóng góp để hoàn thiện hệ thống.
Các nội dung mà Cổng FTAP đang cung cấp, truyền tải đã sát sườn, đáp ứng với nhu cầu thực tế trong quá trình thực thi các FTA của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương hay chưa? Những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin từ các FTA cũng như từ Cổng FTAP của doanh nghiệp, địa phương ngành hàng là những gì, thưa bà?
Theo tôi, lượng thông tin được cung cấp trên Cổng FTAP khá đầy đủ và chính xác. Đây là một nguồn dữ liệu đáng tin cậy, giúp doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu về các FTA. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ chuyên gia hoặc năng lực để phân tích và chuyển hóa thông tin này thành các chiến lược cụ thể trong sản xuất và xuất khẩu.
Một điểm cần cải thiện là xây dựng và kết nối đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp thông qua Cổng FTAP. Đội ngũ này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phân tích thông tin và đưa ra các tư vấn chính xác, phù hợp với từng nhu cầu cụ thể. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng thông tin một cách hiệu quả hơn, từ đó nâng cao lợi ích khi tham gia vào các FTA.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các doanh nghiệp ở các tỉnh xa như Yên Bái, việc này sẽ tạo cơ hội để họ không chỉ tiếp cận thông tin mà còn biến nguồn thông tin đó thành lợi thế cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Tôi tin rằng, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả phí để được tư vấn chuyên sâu. Việc này không chỉ mang lại giá trị thiết thực cho doanh nghiệp mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng FTAP.
Vậy Hiệp hội có ý tưởng, đề xuất gì để cùng Bộ Công Thương cũng như các đơn vị liên quan vận hành tốt hơn Cổng FTAP, từ đó giúp doanh nghiệp ngành da giày tiếp cận thông tin tốt hơn trong quá trình tìm hiểu và thực thi các FTA?
Tôi nghĩ rằng, việc Bộ Công Thương đã xây dựng Cổng thông tin FTAP là một bước tiến quan trọng, cung cấp dữ liệu bao quát cho nhiều lĩnh vực và ngành hàng. Đối với một ngành xuất khẩu lớn như da giày, lượng thông tin liên quan cũng đã được tích hợp trong cổng này.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả, chúng ta nên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, chẳng hạn như da giày, dệt may, điện tử, thủy sản... Điều này sẽ giúp các Hiệp hội tận dụng nguồn thông tin chung từ Cổng FTAP, sau đó sàng lọc và khu trú lại những nội dung chuyên sâu liên quan đến từng ngành cụ thể. Các doanh nghiệp trong ngành sẽ có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác hơn mà không cần mất nhiều thời gian tìm kiếm từ cổng chính.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng sẽ đóng vai trò phản hồi và đóng góp ý kiến để hoàn thiện nguồn thông tin trên cổng. Việc cập nhật hai chiều này không chỉ giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt các thay đổi từ cơ quan quản lý nhà nước hay thị trường xuất khẩu, mà còn đảm bảo thông tin về các điều khoản mới trong FTA được phổ biến đầy đủ và kịp thời.
Về khía cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tôi đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia tư vấn. Họ sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể theo lĩnh vực hoặc địa phương, giúp doanh nghiệp giải đáp thắc mắc về khả năng xuất khẩu hoặc cách tận dụng hiệu quả FTA.
Ngoài ra, việc xây dựng một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trên Cổng FTAP cũng là ý tưởng khả thi. Diễn đàn này sẽ là nơi các doanh nghiệp đã thành công trong việc tận dụng FTA chia sẻ bài học thực tiễn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác còn ít kinh nghiệm. Việc này không chỉ thúc đẩy hiệu quả sử dụng thông tin mà còn đáp ứng thực chất nhu cầu của doanh nghiệp.
Để vận hành hiệu quả hơn Cổng FTAP, Hiệp hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp thành viên cần có những hỗ trợ như thế nào từ các Bộ, ngành cơ quản lý? Các doanh nghiệp dệt may trong nước nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung cần làm gì để thụ hưởng tốt những những lợi thế từ FTA cũng như từ Cổng FTAP?
Chúng tôi luôn kỳ vọng rằng Cổng FTAP sẽ tiếp tục cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và chi tiết, đặc biệt là những hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc thực hiện các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và áp dụng hiệu quả các lợi ích mà FTA mang lại.
Về phía Hiệp hội, chúng tôi đang có kế hoạch tích hợp Cổng FTAP vào cổng thông tin của ngành da giày. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp trong ngành dễ dàng tiếp cận những thông tin chuyên biệt, sát với lĩnh vực hoạt động của họ mà không cần phải tìm kiếm quá nhiều từ nguồn dữ liệu chung.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Công Thương, đặc biệt là với Vụ Chính sách Thương mại và đa biên. Mục tiêu là từ cổng thông tin chung của bộ, Hiệp hội sẽ phát triển thêm các nguồn dữ liệu chuyên sâu, phù hợp với đặc thù của ngành da giày. Điều này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA.