4 triển lãm chuyên ngành dệt may, da giày đã đồng loạt diễn ra ngày 25/10 tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút 500 doanh nghiệp tham gia để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
riển lãm quốc tế lần thứ 21 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt may - VTG 2023 đã khai mạc sáng 25/10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) và diễn ra đến hết ngày 28/10/2023.
Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội bứt phát tại triển lãm VTG 2023 |
Các sự kiện cùng diễn ra đồng thời là Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về nguyên phụ liệu ngành dệt và may (VITATEX 2023) và Triển lãm quốc tế về ngành nhuộm - hóa Chất (DYECHEM 2023). Ngoài ra, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp da giày và nguyên phụ liệu (VFM 2023), cũng trở lại và trưng bày các sản phẩm đa dạng của nhiều hạng mục thú vị trong ngành da giày.
Trong bối cảnh thay đổi không ngừng của chuỗi cung ứng và tình hình kinh tế thế giới đầy biến động, "Dệt 4.0 - Ngành dệt may trong cách mạng công nghiệp 4.0" hiện đang là mối quan tâm lớn nhất trong ngành dệt may Việt Nam. Hiểu được nhu cầu này, triển lãm năm nay có qui mô trên 830 gian hàng, của hơn 500 nhà triển lãm từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ý, Việt Nam. Triển lãm tập trung vào chủ đề số hóa nhà máy, với mục tiêu thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam hiện đại hóa, số hóa trong năm nay.
Các máy móc hiện đại phục vụ ngành dệt may chuyển đổi theo cách mạng công nghiệp 4.0 giới thiệu tại VTG 2023 |
Bà Judy Wang - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại & Tiếp Thị Yorkers (đơn vị tổ chức triển lãm)- cho biết: Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức kể từ đầu năm nay và đây là thời điểm quyết định để các doanh nghiệp tự chủ động đánh giá chất lượng của nhà máy, tiến hành kiểm tra toàn diện các dây chuyền sản xuất cũng như cơ chế quản lý, tận dụng việc triển khai công cụ số hóa để nâng cao hiệu suất tổng thể… Từ đó giảm chi phí, biến khủng hoảng này thành cơ hội cho chính mình.
Được biết, VTG 2023 đã mời các nhà sản xuất thiết bị dệt may quốc tế nổi tiếng để trình làng công nghệ tự động hóa tiên tiến của họ. Các nhà triển lãm tham gia đáng chú ý bao gồm TAJIMA - hãng dẫn đầu trong máy thêu toàn cầu, KYANG YHE (KY) - nhà sáng tạo máy dệt vải jacquard, SANSIN - tập đoàn sản xuất máy in số hàng đầu, và EPSON (THN) - nhà dẫn đầu trong in ấn trên vải, máy nhuộm nhiệt độ cao RUN HAO (RH), và nhiều thương hiệu khác. Sự hợp tác này nhằm mục tiêu thúc đẩy chia sẻ kiến thức, củng cố khả năng dệt và cải thiện hiệu suất sản xuất hàng may mặc tổng thể.
Ngoài ra, sự chuyển đổi theo hướng nhà máy thông minh là phù hợp thực tiễn với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc số hóa quốc gia. Triển lãm sẽ nêu bật một số công ty có uy tín trong việc số hóa cơ sở sản xuất dệt may. Các đơn vị nổi bật như: iGarment, DATACOLOR và LTLABS là những cái tên được đặc biệt chú ý, cùng nhau tạo ra một xu hướng triển vọng cho sự phát triển của ngành.
Trong bối cảnh năng lực sản xuất trong nước của Việt Nam chỉ đáp ứng 25% nhu cầu vải, ngành dệt may đang phụ thuộc nặng nề vào sự mở rộng ngày càng tăng của việc nhập khẩu vải. Kết quả là đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất quốc tế từ các nước như: Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc, tham gia trưng bày các sản phẩm của họ tại sự kiện, với sự tham gia của các doanh nghiệp như: JAIN CORD, SHEICO, MORIRIN, WUYANG, JIANGYIN DKL và HARNEST. Điều này đã thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức quốc tế với các nhà sản xuất Việt Nam để cung cấp cho các nhà sản xuất cuối và chủ sở hữu thương hiệu nhiều lựa chọn chất lượng cao.
Đáng chú ý, trong thời gian triển lãm VTG 2023, các sự kiện hội thảo VTEX-TECH sẽ được tổ chức đồng thời vào ngày 26/10 và 27/10/2023, với chủ đề: “Hành trình phát triển chuỗi cung ứng dệt may bền vững cùng Bluesign”; Công nghiệp kéo sợi và dệt may 4.0: Chuyển đổi để phát triển bền vững"; "Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh - Phát triển bền vững trong xu thế hội nhập"…
Mai Ca