Nhận định trong báo cáo mới nhất, theo ông Khoa, Chương trình hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 đã và đang được triển khai sâu rộng. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cho thấy tình hình bắt đầu khởi sắc và sôi nổi trở lại.
Tuy nhiên, du lịch phục hồi còn chậm, cộng thêm tình hình chi phí logistics tăng khiến lợi nhuận bị bào mòn là những thách thức không nhỏ với cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tinh thần của họ vẫn tương đối lạc quan, 85% doanh nghiệp đánh giá xu hướng quý 3 sẽ ổn định và tốt lên so với quý 2.
“Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh những sự hỗ trợ của nhà nước đối với khối doanh nghiệp như chương trình cấp bù lãi suất 2%, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam mở cửa trở lại, nhờ vậy cũng thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển” – ông Ngô Đăng Khoa nói.
Du lịch phục hồi còn chậm.
Cũng theo ông, một điểm nhấn quan trọng là từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) chính thức có hiệu lực nâng tổng số Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) Việt Nam tham gia có hiệu lực lên 15 và còn 2 FTA đang đàm phán với các khu vực kinh tế trên thế giới. Doanh nghiệp cần nghiên cứu điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp “luật chơi”, tối ưu chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để tận dụng tối đa lợi ích từ những FTA này và tiếp cận thị trường rộng mở trong khuôn khổ FTA.
Cũng giống như tình hình chung trên thế giới, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu bằng những bước đi vững chắc. Kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với virus”, Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc và gỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch giúp phục hồi nhu cầu mua sắm trong nước, bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng lên 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 1,9%). Đặc biệt, việc mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3 đóng vai trò hết sức quan trọng với sự phục hồi của ngành dịch vụ. Nửa đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước, cũng là dấu hiệu đáng mừng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của HSBC, năm nay dự báo du lịch Việt Nam phục hồi vẫn còn chậm. Dịch COVID-19 là một nguyên nhân khiến du khách quốc tế hình thành tâm lý e ngại đi nước ngoài, cộng thêm tình hình vật giá leo thang ảnh hưởng đến chi tiêu dành cho du lịch của người dân nhiều nước trên thế giới.
Một nguyên nhân khác là tình hình căng thẳng ở Nga và chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc, hai thị trường cung cấp nguồn khách du lịch lớn của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng sự phục hồi ngành du lịch Việt Nam.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 8,48% toàn ngành so cùng kỳ năm 2021, trong đó linh kiện điện thoại tăng 22,2%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, trước khi lùi một chút về 54 điểm trong tháng 6. Nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình rở thành một công xưởng sản xuất của thế giới.
Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam.
Quan trọng nhất là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục giảm bớt. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên 90% lao động đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các chỉ số đều tích cực góp phần đưa tăng trưởng GDP quý 2 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 6,42%. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định, vững vàng. HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2022 lên 6,9% (từ 6,2% và 6.6%), nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực.
Mặc dù tình hình nhìn chung có vẻ lạc quan, các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn còn đó. Cụ thể, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam.
Trong khi đó, giá dầu tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Giá năng lượng thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt đẩy giá dầu trong nước liên tục lên những mức cao kỷ lục mới.
HSBC đánh giá xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, tạo áp lực ngược lại lên lạm phát. Mặc dù chi phí năng lượng cao, lạm phát thực phẩm ở mức độ vừa phải, sản xuất trong nước tương đối ổn định giúp kìm hãm lạm phát toàn phần.
Theo https://diendandoanhnghiep.vn/