Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Thách thức chính sách khi giảm năm đóng BHXH
  • 14/06/2022

Chuyên gia cho rằng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 10-15 năm giúp nhóm tham gia trễ tiếp cận lương hưu, song không tính kỹ nhiều lao động sẽ bất an, chọn rút một lần.

Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân hôm 12/6, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đã giao Bộ chủ trì xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội. Một trong những sửa đổi là giảm dần số năm đóng BHXH xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm.

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho hay nhiều người làm các công việc bấp bênh, chỉ gắn bó một nơi 3-4 năm rồi mất việc, tạm ngưng tham gia BHXH. Khi họ hết tuổi lao động, tổng thời gian cộng dồn chưa đủ 20 năm. Do đó, giảm năm đóng BHXH giúp các trường hợp này được hưởng lương hưu.

Nhiều nước cũng quy định lao động tham gia BHXH 10 năm đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí. Mức hưởng có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước chi trả. Định hướng giảm năm đóng BHXH được kỳ vọng hạn chế lao động rút một lần và được thể hiện trong Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về cải cách chính sách BHXH.

Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, ngày 21/10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân làm việc tại công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM, tháng 10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Cường, pháp luật sẽ không hạn chế quyền được hưởng BHXH một lần của người tham gia. Tuy nhiên, chính sách sẽ thiết kế theo hướng tăng quyền lợi để người lao động thấy ở lại với hệ thống có nhiều lợi ích hơn rời đi. "Giảm năm đóng tối thiểu mức hưởng cụ thể ra sao sẽ được ban soạn thảo lấy ý kiến các bên và cả người lao động, theo đúng quy trình xây dựng luật", ông Cường nói.

Hiện, trong định hướng sửa luật Bảo hiểm xã hội mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ có đề xuất một số giải pháp, như hoàn thiện chế độ hưu trí theo hướng kết hợp hài hoà nguyên tắc đóng - hưởng; chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp. Việc này giúp thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các nhóm hưởng chế độ hưu trí. Mức lương tính chế độ hưu của một người sẽ được đặt trong mối tương quan với trung bình tiền lương tháng đóng BHXH của tất cả người tham gia.

Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, nguyên phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nói rằng giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thực tế không mới, "nói đúng hơn là quay về cái cũ".

Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2006) quy định khi tham gia BHXH 15 năm người lao động sẽ đạt được mức hưởng 45%, với tuổi hưu của nam là 60 và nữ là 55. Thời gian đóng tối thiểu tăng lên 20 năm sau đó được quy định ở Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014). Cùng với đó, Điều 60 không cho phép lao động rút một lần sau một năm nghỉ việc.

Ông Chính cho rằng lúc đó các nhà làm luật kỳ vọng không cho phép nhận trợ cấp một lần, việc tích lũy 20 năm đóng tối thiểu sẽ dễ dàng, người lao động ở lại hệ thống an sinh. Tuy nhiên Điều 60 đã bị một bộ phận lao động ở nhà máy đông công nhân nhất TP HCM lúc đó phản ứng dữ dội. Cuối cùng, Quốc hội đồng ý cho lao động hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu, thể hiện tại Nghị quyết 93.

Nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn nhận định giờ đây rất khó bỏ quy định cho phép lao động rút BHXH một lần, do đó tất yếu phải hạ năm đóng tối thiểu xuống. Tuy nhiên, thách thức lúc này là tuổi hưu lại cao hơn trước khi tăng dần lên 62 đối với nam (vào năm 2028) và 60 với nữ (vào năm 2035).

Ông Chính cho rằng trong bối cảnh lao động bước vào giai đoạn già hóa, tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên, bắt buộc phải tăng tuổi hưu để kéo dài quá trình đóng, cân đối với thời gian hưởng, đảm bảo không vỡ quỹ bảo hiểm. Thế nhưng mô hình kinh tế của Việt Nam vẫn là thâm dụng lao động. Công nhân dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, lắp ráp điện tử... chiếm số đông, khi đến 40-50 tuổi khó tiếp tục làm việc. Với nhóm này rút BHXH một lần gần như là lựa chọn hàng đầu bởi không thể chờ 10-20 năm để lãnh lương hưu.

"Các điều kiện đang mâu thuẫn với nhau, đặt ra nhiều thách thức đối với người làm chính sách", ông Chính nói.

GS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), đồng thuận với việc giảm năm đóng BHXH tối thiểu để mở rộng nhóm được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, các nhà làm luật cần tính toán kỹ để chính sách "không xảy ra tác dụng phụ". Nghĩa là để đạt được mục đích nhóm thiểu số tham gia trễ, thời gian đóng ít được hưởng lương hưu lại khiến đa số lao động bất an, tìm cách nhận trợ cấp một lần trước khi luật ban hành.

TS Lộc cho rằng để người lao động an tâm cần sớm tính mức hưởng tối thiểu tương ứng với thời gian đóng 10-15 năm. "Đây thực sự là một bài toán khó khi phải tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng, tức đóng ít thì số tiền nhận được không đáng kể", ông Lộc nói.

Chưa kể, hiện người lao động so sánh việc trích lương đóng vào quỹ BHXH với đầu tư các mô hình tài chính khác. Họ thấy rằng rút một lần rồi gửi ngân hàng, đầu tư bất động sản... có lợi hơn. Ông Lộc cho rằng, từ suy nghĩ của người lao động, quỹ BHXH cũng cần phải thay đổi cách quản trị tài chính để sinh lời. Lợi nhuận đó phải được báo cáo thường niên, công khai cho người lao động biết.

Theo báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện chính sách BHXH do Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra hồi cuối tháng 10/2021, hết năm 2020, tổng số kết dư của Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 953.000 tỷ đồng. TS Lộc nhận định với số tiền kết dư lớn, nếu quỹ đầu tư hiệu quả, lợi nhuận đủ để bù đắp những rủi ro cho người lao động, đầu tư vào hệ thống an sinh, thiết kế mức hưởng thấp nhất tương ứng mức sống tối thiểu. Sau đó tỷ lệ hưởng tăng dần theo số năm đóng và khuyến khích đóng càng lâu số tiền nhận được càng nhiều.

"Với người lao động, lợi ích thật rõ ràng, thiết thực sẽ khiến họ an tâm ở lại với lưới an sinh. Khi đó mức đóng tối thiểu bao nhiêu năm sẽ không còn quan trọng nữa", ông Lộc nói.

Hơn 3,7 triệu lao động rút BHXH một lần trong 5 năm. Video: Tạ Lư

Trong 5 năm từ thời điểm Luật bảo hiểm xã hội hiệu lực (1/1/2016), hơn 3,7 triệu người chọn rút BHXH một lần thay vì chờ lương hưu. Thống kê của Bộ Lao động, thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, "cứ hai người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội thì một người rời đi. Xu hướng này tiếp tục gia tăng".

https://vnexpress.net/

Tin tức liên quan