Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ chính sách ứng phó đại dịch COVID-19 linh hoạt và hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng trong khu vực, theo nhận định của một số nhà kinh tế Đức.
Dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống COVID-19, “ngã tư quốc tế” - phố Tạ Hiện (Hà Nội) - cho phép mở cửa muộn để đón du khách quốc tế trải nghiệm không khí về đêm của Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn
Năng lực thích ứng linh hoạt của Việt Nam
Trang DW của Đức cho hay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng trong đại dịch COVID-19, nhờ chính phủ có hành động sớm, quyết liệt, cùng chiến lược giữ cho số ca bệnh ở mức thấp trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2021, trước khi biến thể Omicron thay đổi cách các quốc gia tiếp cận chính sách đại dịch, sự lây lan của biến thể Delta ở Việt Nam bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát. Khi tỉ lệ lây nhiễm tăng cao, các công ty nước ngoài như Samsung, Apple, Nike và Zara đã buộc phải đóng cửa nhà máy ở Việt Nam trong nhiều tuần. Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 giảm xuống còn 2,58%.
Việt Nam quyết định thay đổi chiến lược chống dịch và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức, nhận định, Việt Nam đã chung sức chung lòng hành động tương đối nhanh chóng và điều đó cho thấy năng lực thích ứng linh hoạt của Việt Nam.
Cho đến nay, hầu hết các hạn chế về COVID-19 ở Việt Nam đã được dỡ bỏ. Ông Đặng Đức Anh, Giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam cho biết, nguy cơ tiếp tục đóng cửa là thấp. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2022 và 6,7% vào năm 2023.
Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi từ chính sách đại dịch đã thay đổi của mình. Nhiều công ty, đặc biệt là trong ngành công nghiệp điện tử, đang đổ rất nhiều tiền vào Việt Nam. Vào tháng 2.2022, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc Samsung thông báo sẽ đầu tư thêm 920 triệu USD vào Việt Nam.
Bên cạnh đó là xu hướng tiếp tục chuyển dịch sản xuất công nghệ cao đến Việt Nam. Theo tạp chí thương mại điện tử Elektronik Praxis của Đức, các tập đoàn điện tử Trung Quốc như Luxshare Precision Industry, Goertek và nhà lắp ráp iPhone Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc), đang chuyển cơ sở sang Việt Nam.
Ông Raphael Mok từ công ty tư vấn Fitch Solutions nói với Reuters, Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng. Còn ông Daniel Müller cho biết Việt Nam luôn “lọt vào tầm ngắm” của các công ty Đức, mặc dù cuộc vận động thực sự vẫn chưa bắt đầu, nhưng điều đó có thể thay đổi ngay bây giờ.
Những thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam
Theo các nhà kinh tế Đức, mặc dù có triển vọng tốt nhưng cũng có những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đây vừa là một may mắn vừa là thách thức. Chính sách kinh tế mở và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam trong những năm gần đây đã viết nên câu chuyện thành công về tăng trưởng.
Tuy nhiên, mặt hạn chế là Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên liệu thô và các sản phẩm linh kiện, một số bị thiếu hoặc chậm do đại dịch. Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng giữa các nước lớn. Do đó, chuỗi cung ứng linh hoạt là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Müller, Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh trong lĩnh vực này. Ông Müller lấy ví dụ, chuỗi cung ứng kỹ thuật số vẫn chưa được chú trọng ở Việt Nam. Chuỗi cung ứng số bao gồm mạng kỹ thuật số của tất cả các quy trình và các bước trong chuỗi cung ứng để giám sát chúng trong thời gian thực và làm cho chúng thậm chí còn hiệu quả hơn.
Nhưng không chỉ chuỗi cung ứng mà còn cả nền kinh tế Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn. Theo ông Müller, điều cốt yếu là cơ sở rộng lớn hơn của sản xuất giá trị gia tăng, điều này đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa hơn nữa ở tất cả các cấp. Ông Müller lấy ví dụ, hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam, chẳng hạn, cần phải cải thiện, bởi "hiện tại, nó hầu như không thể theo kịp với nhu cầu ngày càng tăng".
Khả năng phục hồi cũng đồng nghĩa với việc tăng cường nhu cầu tiêu dùng trong nước. Khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 xảy ra vào cuối mùa hè năm 2021, nền kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc vào ngoại thương, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ ngoại thương của Việt Nam là 209% vào năm 2020, cho thấy mức độ phụ thuộc kinh tế cao.
Theo ông Müller, Việt Nam đang thực hiện các bước cần thiết nhằm thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng của mình. Nhu cầu trong nước tăng sẽ khiến các bộ phận dân cư lớn hơn được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, sự bất bình đẳng, cũng như sự phân chia thành thị-nông thôn đang gia tăng, theo một nghiên cứu vào tháng 3 năm 2021 trên tạp chí thương mại Economies.
Tuy nhiên, nhìn chung, theo Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức, việc Việt Nam không bảo hộ thương mại mà đi theo hướng nền kinh tế mở khiến nước này trở thành một địa điểm sản xuất "không thể thiếu đối nhìn từ quan điểm của Đức cũng như Châu Âu". Theo ông Müller, từ quan điểm này, Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á.
https://laodong.vn/xa-hoi/kinh-te-viet-nam-huong-loi-tu-chinh-sach-chong-dich-linh-hoat-1050769.ldo