Ngày 6.5, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”- ký ban hành Kế hoạch Truyền thông.
Kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu; đối tượng và nội dung truyền thông; giải pháp truyền thông; tổ chức thực hiện.
Theo đó, mục tiêu là truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid - 19” (sau đây gọi tắt là Chương trình "1 triệu sáng kiến"), tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động (CCVCLĐ) cũng như sự ủng hộ, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, tạo điều kiện của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động cho triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến” này. Bám sát cơ sở nhằm phát hiện, giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá thực chất những lợi ích của sáng kiến và có những chính sách tốt hơn để động viên, khích lệ nhiều người lao động tham gia hoạt động sáng kiến. Lan tỏa các câu chuyện sáng kiến để thấy được sự đóng góp của tác giả và hiệu quả, giá trị xã hội của sáng kiến, từ đó thay đổi tư duy của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức viên chức lao động và cộng đồng xã hội về sáng kiến.
Yêu cầu của công tác truyền thông là được tổ chức sâu rộng, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, phát huy vai trò chủ lực của cơ quan báo chí, truyền thông trong hệ thống Công đoàn và trách nhiệm chủ động thông tin của cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn tuyên giáo, cán bộ được giao nhiệm vụ thông tin, truyền thông cho Chương trình 1 triệu sáng kiến. Sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông, kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp tại cơ sở, chú trọng phát huy mặt tích cực các phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội và mạng điện thoại di động). Thông qua công tác truyền thông về Chương trình “1 triệu sáng kiến” góp phần xây dựng niềm tự hào về sản phẩm mang trí tuệ của người lao động Việt Nam; khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ công đoàn, đoàn viên, CCVCLĐ cả nước đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước, kịp thời thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Trong nội dung truyền thông, đáng chú ý tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: “Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”; “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ hay chung chung, trừu tượng mà chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, những điều kiện bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực. Ở tầm sáng tạo lớn, có ảnh hưởng rộng là phát minh, bao hàm cả sáng chế. Ở tầm thấp hơn, nhỏ hơn thì là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tất cả đều là sản phẩm được sáng tạo ra khi cuộc sống thúc bách”.
Cùng với đó là tuyên truyền chủ trương, quan điểm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; mục đích, ý nghĩa của Chương trình số 3250/CTr-TLĐ ngày 15/12/2021, hướng dẫn số 46/HD-TLĐ ngày 30/12/2021 về tổ chức và thực hiện chương trình “1 triệu sáng kiến”; mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp và tổ chức thực hiện ở 2 giai đoạn của Chương trình “1 triệu sáng kiến”; những cách làm sáng tạo, đột phá của các cấp công đoàn, từ sự phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động trong tiếp nhận, đề xuất thực hiện ý tưởng đến công nhận sáng kiến và tổ chức khen thưởng; tuyên truyền về tinh thần chủ động, trách nhiệm của cán bộ công đoàn cơ sở trong vận động, đoàn viên, CCVCLĐ tham gia Chương trình; truyền thông phản ánh tinh thần thi đua sôi nổi, rộng khắp của từng cấp công đoàn, từng cán bộ công đoàn, đoàn viên, CCVCLĐ tham gia Chương trình; tuyên truyền về những dấu mốc quan trọng trong kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến” tại mỗi cấp công đoàn; về sáng kiến, từ nguồn gốc của những ý tưởng, sáng tạo; quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến; giá trị của sáng kiến không chỉ đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, đất nước mà đồng thời cũng là cơ hội để tăng thêm thu nhập cho cá nhân tác giả sáng kiến và cuộc sống tốt hơn cho gia đình tác giả, cho đồng nghiệp; các hoạt động biểu dương, khen thưởng cho các cá nhân có sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu tại các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở.
Đối với truyền thông mạng xã hội, kế hoạch nêu rõ các cấp công đoàn tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người lao động. Nội dung: (1) Giao lưu các tác giả có sáng kiến xuất sắc ở các địa phương – phân chia theo các cụm thi đua; (2) Giao lưu với các tác giả có nhiều sáng kiến tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến”; (3) Giao lưu với các tập thể đảm bảo các tiêu chí về số lượng và chất lượng sáng kiến tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến”; (4) Giao lưu với người sử dụng lao động ở doanh nghiệp có nhiều sáng kiến tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến”. Thời gian: dự kiến 01 quý/cuộc. Trong đó, giai đoạn 1, dự kiến tháng 6.2022.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ sử dụng trang mạng xã hội chính thức của Chương trình “1 triệu sáng kiến” nhằm phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền; tạo lập và quản lý chatbot với giao diện thân thiện với cán bộ công đoàn, đoàn viên, CCVCLĐ nhằm tiết kiệm nhân lực và thời gian nhắn tin tư vấn, hướng dẫn quy trình cập nhật sáng kiến cũng như các vấn đề khác liên quan đến Chương trình.
ĐINH PHƯƠNG
http://www.congdoan.vn/tin-tuc/tuyen-truyen-giao-duc-thi-dua-khen-thuong-511/tong-ldld-viet-nam-ban-hanh-ke-hoach-truyen-thong-chuong-trinh-1-trieu-sang-kien-640996.tld