Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ưu tiên cao nhất là gỡ khó cho doanh nghiệp
  • 18/10/2021

 

Là Tư lệnh một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là bối cảnh dịch COVID-19 đã và sẽ tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế?

Dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và của Việt Nam trong gần 2 năm qua. Nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, giải thể; các ngành kinh tế bị giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm do sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ do các biện pháp giãn cách xã hội, sụt giảm cầu...

Dịch COVID-19 kéo dài khiến vận chuyển hàng hoá khó khăn do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, giá cước vận tải, kho bãi tăng cao; thiếu hụt lao động tham gia sản xuất vì phải tuân thủ quy định ‘3 tại chỗ’. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy do nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cũng là những vấn đề với doanh nghiệp hiện nay. Bộ Công Thương rất chia sẻ với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đã, đang gặp phải.

Với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu như hiện nay, tôi cho rằng, trong ngắn hạn và trung hạn, thế giới và cả Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng và hậu quả của dịch bệnh đã và đang diễn ra.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã thống nhất quan điểm sẵn sàng sống chung với dịch, nghĩa là vừa phải phục hồi kinh tế vừa chống dịch. Do vậy, chúng ta cần xác định phải thích ứng và đưa nền kinh tế cũng như đời sống xã hội về trạng thái “bình thường mới” để có các phương án xử lý một cách chủ động, mang tính dài hạn để người dân và doanh nghiệp yên tâm, có cơ sở xây dựng các phương án và quay trở lại hoạt động theo kịch bản “bình thường mới”.

Bộ Công Thương đã có những biện pháp, giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn vừa qua? Những giải pháp, kiến nghị nào đã được triển khai tốt, những giải pháp nào chưa được triển khai triệt để? Bộ trưởng có suy tư, trăn trở gì khi những giải pháp được nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương đưa ra nhưng đã không kịp thời triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp khiến cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp có văn bản xin gỡ khó tới các bộ cũng như Thủ tướng Chính phủ?

Trong thời gian qua, thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp để triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp ở mức cao nhất để ổn định sản xuất.

Các biện pháp về hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai như: đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất trong bối cảnh thực hiện giãn cách để hạn chế lây lan dịch bệnh; bố trí sản xuất an toàn trong các doanh nghiệp; xử lý các ách tắc nguồn cung do đứt gãy chuỗi cung ứng; tháo gỡ các vướng mắc về thị trường và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Cùng đó là các biện pháp về hỗ trợ, giảm tiền điện cho doanh nghiệp và nguời dân với số tiền lên tới 16.750 tỷ đồng trong 5 lần giảm giá điện trong năm 2020 và 2021.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, thời gian qua và trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị của chúng ta đã và sẽ hết sức cố gắng để có thể có được những phương án, giải pháp tốt nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và sinh hoạt, phấn đấu ở mức cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2022.

Thời gian tới, Bộ Công Thương có những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, hoạt động trở lại như trước đây và đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước?

Trong thời gian tới, trong bối dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường ở cả trong và ngoài nước, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc theo dõi diễn biến tình hình và chủ động có các giải pháp tiếp tục thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh một cách phù hợp.

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi đã, đang và sẽ luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu

Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống. Nâng cao năng lực triển khai hoạt động trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác XTTM để phù hợp với tình hình mới. Cùng đó, khuyến khích các Hiệp hội, doanh nghiệp logistics có biện pháp hỗ trợ như giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa nông sản, thủy sản.

Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Việc cải cách hành chính, bỏ các quyền lợi của Bộ chủ quản trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp là xu thế và là việc không thể không thực hiện. Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ có những giải pháp gì để mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp những hỗ trợ tốt nhất trong bối cảnh hiện nay?

Trong chương trình cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương. Với quan điểm quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm từ 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Bộ Công Thương là Bộ tiên phong thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Kết quả, qua các lần cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tính đến năm 2020, Bộ Công Thương đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh (chiếm 70%).

Các ý kiến phản ánh trực tiếp của doanh nghiệp, người dân về cải cách của Bộ Công Thương đã giúp điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để tiếp nối thành quả đã đạt được cũng như thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng kế hoạch lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ cho giai đoạn 2021 – 2025.

Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ luôn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn xây dựng thể chế với ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên quan dễ dàng thực hiện.

Xin cảm ơn ông

 Nguồn: Báo Tiền Phong

Tin tức liên quan