Các biện pháp giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 đang khiến doanh nghiệp, nhất là vừa và nhỏ chết dần chết mòn và khó vực dậy nếu không có giải pháp đột phá.
Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025).
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ nhiệm Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực trạng kinh tế đầu quý III đang xấu hơn nhiều do tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh thành. Kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn gian nan nhất trong nhiều thập kỷ vì Covid-19.
Các biện pháp giãn cách xã hội tại địa phương để chống dịch, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn. Doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn, nhất là khu vực doanh nghiệp dịch vụ (trừ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm). Thậm chí, họ không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu không có biện pháp bứt phá hỗ trợ.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Những hỗ trợ vừa qua, chẳng hạn gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, hay miễn, giãn thuế cho doanh nghiệp, giảm lãi suất..., ông Lộc cho rằng, đi vào cuộc sống không được bao nhiêu.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng cho rằng, những khó khăn của đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người dân, doanh nghiệp. "Chính phủ cần đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp hiện nay để có giải pháp căn cơ thời gian tới", bà Thuỷ góp ý.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, chiến lược tiêm chủng vaccine cần đẩy nhanh hơn, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... để tránh đứt gãy kinh tế. Việt Nam cũng cần chuẩn bị điều kiện, lộ trình mở cửa lại nền kinh tế tương ứng với độ phủ tiêm chủng vaccine.
Doanh nghiệp khó khăn vì dịch, doanh thu sụt giảm thì hỗ trợ hiệu quả nhất lúc này là Nhà nước tăng chi cho đối tượng yếu thế. Như vậy, vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được vấn đề xã hội, một mũi tên trúng hai đích.
Mỗi tỉnh một kiểu chống dịch khiến doanh nghiệp 'kiệt quệ'
Thực trạng chống dịch không thống nhất ở các địa phương liên tục được các đại biểu Quốc hội nêu như một nguyên nhân khiến doanh nghiệp thêm khó.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/7, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đại biểu Thái Bình nêu thực tế đang có sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch ở các địa phương. Hoàn cảnh nào đó là cần thiết, nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp dịch dẫn tới ách tắc lưu thông vận chuyển hàng hoá, con người.
"Tôi biết, ngay bây giờ trên nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ vẫn đang xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hoá do các quy định khác nhau trong phòng, chống dịch của các địa phương", ông Hiếu nói.
Ông đề nghị, các địa phương cần phối hợp, giảm tối đa điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết trong phòng, chống Covid-19 để doanh nghiệp bớt gánh chịu chi phí, giảm ách tắc lưu thông hàng hoá.
"Các địa phương cần áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai áp dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh", Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đề cập về biện pháp chống dịch kiểu "ngăn sông cấm chợ" ở một số nơi khiến vận chuyển hàng hoá tắc nghẽn. Theo ông, các doanh nghiệp đang cố gắng đáp ứng các phương thức, mô hình chống dịch của các địa phương nhưng thực tế "họ đang khó khăn".
Ở phiên thảo luận sáng cùng ngày, thực trạng mỗi địa phương cát cứ khi đưa ra biện pháp chống dịch cũng được bà Nguyễn Thị Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhắc tới. Bà Thuỷ chỉ ra, một số tỉnh, thành áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp, như không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn.
Có doanh nghiệp phản ánh xe hàng được đi qua chốt kiểm soát nhiều tỉnh, song đến địa phương cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu ra vì mỗi nơi một quy định khác nhau.
"Cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, gây đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nói.
Ở tầm vĩ mô hơn, ông Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh tới "mẫu số chung" giải quyết những bất cập là cần có vai trò Bộ Tổng tham mưu giúp Chính phủ điều phối nguồn lực cả nước trong tình trạng khẩn cấp.
"Nhà nước nắm nguồn lực giữ dữ liệu từ trung ương đến địa phương. Để điều phối kịp thời, hợp lý, sẽ không cần những công văn của các địa phương đề nghị chi viện y tế, đề nghị giải toả lưu thông hàng hoá... mà các tỉnh, thành hay hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đang phải gửi tới nhiều nơi như hiện tại", Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Bộ Tài chính đề xuất thêm gói hỗ trợ Covid-19
Gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19 ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 25/7, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang hoàn thiện và sẽ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định.
Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về gói hỗ trợ Covid-19 cho người dân, doanh nghiệp với quy mô 26.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này đang được các cấp, ngành triển khai giải ngân.
Gói hỗ trợ này được đề xuất nghiên cứu trước thực tế các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ dịch bệnh.
Tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định 52 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thu nhập doanh nghiệp, VAT, thu nhập cá nhân), tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức gặp khó khăn vì Covid-19 đến hết năm 2021, ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Trước đó, thời hạn nộp thuế cũng hai lần được cấp có thẩm quyền quyết định "nới", để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức khó khăn vì dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 hướng dẫn thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đến 1/1/2022 mới thi hành (thay vì 1/8/2021 như trước đây).
Nguồn: VNexpress.net