Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Đơn hàng rớt giá, doanh nghiệp dệt may lao đao
  • 22/06/2021

 

Đơn hàng vẫn có nhưng giá bán giảm mạnh do nhu cầu giảm. Đặc biệt, đại dịch Covid 19 bùng phát lại đã và đang tác động tiêu cực đến ngành dệt may...

Báo cáo tình hình doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở tổng kết ý kiến các hiệp hội, ngành cho thấy ngành dệt may vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, lần đầu tiên sau 25 năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, năm 2020 chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019. Đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ.

Đơn hàng vẫn có nhưng giá bán giảm mạnh do nhu cầu giảm. Đặc biệt, đại dịch Covid 19 bùng phát lại đã và đang tác động tiêu cực đến ngành dệt may. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may sẽ còn khó khăn hơn trước nhất là về nguồn hàng để đảm bảo việc làm, duy trì hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp cũng không còn có những đơn hàng cũ và nguồn tiền dự phòng giảm dần.

Theo các dự báo của doanh nghiệp, phải đến quý 2/2022 hoặc chậm nhất là quý 4/2023, thị trường dệt may mới phục hồi về cầu ngưỡng năm 2019 với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các FTA.

Cùng với tổng cầu thế giới sụt giảm hơn 22% từ 740 tỷ USD giảm xuống còn 600 tỷ USD, giá nhập khẩu hàng thời trang vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm sút ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Cụ thể, trong năm 2020, nhu cầu hàng may mặc của EU và Hoa Kỳ giảm lần lượt là 45% và 40%. Giá nhập khẩu may mặc vào Hoa Kỳ đã giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi mức giảm trung bình của những năm trước chưa tới 1%.

Doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may bị giảm sút nghiêm trọng, khoảng 20% so với năm 2019. Bên cạnh chi phí đầu vào tăng, giá bán đầu ra giảm, các chi phí trung gian tăng như chi phí vận chuyển, logistics tăng cao từ 2-4 lần, thiếu container hàng rỗng… Đặc biệt, lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh, thành phố có sự kiểm soát không thống nhất dẫn đến hàng hoá ùn ứ, nguyên vật liệu từ Hải Phòng không lấy về được, không xuất/bán được hàng hoá, sản phẩm.

Việc tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp đánh giá rất cao việc Chính phủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến và xây dựng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy tác dụng của các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp chưa được như mong muốn. Qua khảo sát nhanh của Hiệp hội, bên cạnh một số chính sách như giảm tiền thuê đất, giãn thuế, giảm tiền điện đi vào cuộc sống nhanh thì còn các chính sách hiệu quả thấp như gói an sinh xã hội áp dụng cho doanh nghiệp phải đóng cửa điều kiện 50% lao động của doanh nghiệp mất việc, không có doanh thu thì mới tiếp cận được.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp dệt may, nếu phải đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc, ngay cả khi hết dịch, doanh nghiệp  không thể tuyển thêm được lao động để phục hồi sản xuất. Do đó, bằng mọi giá, doanh nghiệp phải giữ chân người lao động. Khi áp dụng các biện pháp giữ chân được người lao động, doanh nghiệp dệt may không đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết quy trình thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ. Để từng bước khôi phục, trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát, sửa đổi một số quy định, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ khắt khe, không phù hợp thực tế như phải có trên 50% lao động mất việc làm, lao động nghỉ việc một tháng… Các quy định cần được xây dựng rành mạch và có tính thực tế, theo hướng xác định đúng và trúng đối tượng thụ hưởng, điều kiện tiếp cận và thủ tục nhanh gọn hơn.

Theo An Nhiên

Vneconomy.vn

Tin tức liên quan