Họa tiết da báo từng là một biểu tượng của quyền lực và sự thanh lịch, nhưng rồi cũng trở nên đồng nghĩa với những người phụ nữ thác loạn
Họa tiết da báo trên thiết kế Dior mùa Thu Đông 2021. Ảnh: Instagram @thaonhile
Mùa Thu Đông 2021 năm nay, họa tiết da báo nhan nhản trên các thiết kế của thương hiệu Christian Dior. Thương hiệu chia sẻ rằng, đây là họa tiết ưa thích của bà Mitzah “Mizza” Bricard, một nàng thơ của nhà sáng lập thương hiệu. Nhưng ít ai biết rằng, cũng chính Christian Dior là người đã khiến họa tiết da beo trở thành một họa tiết đại chúng. Hãy cùng tìm hiểu lịch sử đầy sự nghịch lý của mẫu họa tiết cổ điển này.
Cách đây cả ngàn năm, con người cổ đại đã biết dùng lông thú để làm trang phục. Thứ chất liệu vừa dày, vừa ấm ấy giúp loài người cổ đại sống sót qua những trận bão tuyết, gió rét.
Dần dần, da thú trở thành một biểu tượng của quyền lực. Để săn được một con báo, sói, cáo hay chồn không đơn giản. Săn một con vật sao cho bộ lông còn nguyên vẹn lại càng khó. Vì vậy, từ thời Ai Cập cổ đại cho đến tận giai đoạn Phục Hưng, chỉ có giới quý tộc, vua chúa mới sở hữu trang phục làm từ lông thú. Giới cầm quyền còn từng cho rằng, khi khoác lên mình bộ lông của loài thú, người mặc sẽ được trao tặng quyền năng của loài thú ấy.
Một tấm bích điêu Ai Cập cổ đại cho thấy công chúa Nefertiabet mặc đầm làm từ da báo đốm. Ảnh: Everett Collection/CNN
Đến tận thế kỷ 20, áo choàng lông thú và mũ nón viền lông tiếp tục đại diện cho sự xa hoa của giới thượng lưu. Những minh tinh Hollywood xúng xính trong áo khoác lông thú thật, mái tóc uốn xoăn sang trọng, khiến nhiều phụ nữ ao ước được sở hữu một chiếc áo choàng tương tự.
Áo khoác lông thú từ báo gấm Châu Phi. Ảnh: Tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ, thập niên 1920
Tuy nhiên, vào thập niên 1930, những công nghệ tân tiến trong ngành công nghiệp thời trang ra đời. Sự phát minh ra vải polyester và rayon gốc dầu mỏ, kèm với kỹ thuật in ấn tiên tiến, cho phép tạo nên những trang phục giả lông tương đối giống thật, với mức giá rẻ gấp nhiều lần so với phiên bản thật. Bỗng nhiên, bất kỳ ai cũng có thể diện trang phục giả lông.
Cặp ghế bành phong cách Art Deco bằng nhung, in họa tiết da ngựa vằn. Sản phẩm làm tại Ý giai đoạn 1920 – 1949. Ảnh: Pamono
Bắt đầu từ thập niên 1930, trang phục giả lông đã xuất hiện nhan nhản. Nhưng mãi đến năm 1947, nhờ Christian Dior, mà trang phục in họa tiết da báo (animal print) mới trở nên thịnh hành.
Trong bộ sưu tập New Look, nhà thiết kế đã in những mảng họa tiết da báo lên vải vóc. Đây là họa tiết ưa chuộng của bà Mitzah “Mizza” Bricard. Bà không chỉ là nhà thiết kế mũ cho thương hiệu mà còn là nàng thơ của Christian Dior. Vì vậy, sức ảnh hưởng của Mizza Bricard đến Dior là không nhỏ.
Show diễn New Look tại salon năm 1947 của Christian Dior. Ảnh: Savoirflair
Người ta chuộng những thiết kế in họa tiết da báo của Dior đến mức độ, vào thập niên 1950, nội y in họa tiết da beo lần đầu tiên được bày bán đại trà.
Đến thập niên 1960, họa tiết da báo đã trở thành một biểu tượng của lối sống hướng về thiên nhiên hoang dã, không bị gò bó bởi thành thị công nghiệp. Khác với phong cách thanh lịch của Christian Dior thập niên 1950, họa tiết da báo của thập niên 1960 được nhuộm đa sắc, nổi loạn và đầy tính chất thử nghiệm.
Nội y họa tiết báo đốm của thương hiệu Vanity Fair, lần đầu tiên xuất hiện vào thập niên 1950. Ảnh: Pinterest
Bắt đầu từ thập niên 1970 trở đi, họa tiết da báo dần dần mất đi sự liên kết với giới thượng lưu. Năm 1973, Mỹ ban hành luật cấm nhập khẩu và bày bán trang phục làm từ da báo thật. Được biết, khi cựu đệ nhất phu nhân Jackie O’ Kennedy mặc chiếc áo choàng bằng da báo năm 1962, cơn sốt da thú đã khiến 250.000 con báo bị săn bắn để lấy lông. Nhà thiết kế làm nên mẫu áo này, Oleg Cassini, đã dành cả quãng đời còn lại để ăn năn hối hận.
Chiếc áo khoác của Jackie O’ Kennedy dẫn đến cái chết của 250.000 con báo đốm.
Trào lưu bảo vệ quyền động vật trỗi dậy. Những chiếc áo lông thú không còn trông sang trọng, mà trở thành trang phục tội đồ. Những người phụ nữ thích diện trang phục in họa tiết da beo cũng vì vậy mà bị xã hội xem là những kẻ kệch cỡm.
Sau đó, tuýp nhân vật nữ lớn tuổi, thường xuyên mặc trang phục da beo và luôn luôn ham muốn tình dục, bắt đầu xuất hiện trong những bộ phim Hollywood. Kinh điển nhất chính là vai diễn của Anne Bancroft trong bộ phim The Graduate, Mrs. Robinson. Quý bà Robinson trong bộ phim này đã rù quến cậu trai trẻ chỉ đáng tuổi con mình. Từ đó, từ “cougar”, loài báo sư tử của Mỹ, trở thành tiếng lóng để miêu tả những “máy bay bà già”.
Diễn viên Dustin Hoffman và Anne Bancroft trong phim The Graduate (1967). Ảnh: Margaret Herrick Library
Năm 1991, nhờ nhà thiết kế Azzedine Alaïa mà họa tiết da báo một lần nữa tái sinh. Trong bộ sưu tập Thu Đông 1991, Alaïa đã thiết kế nên những trang phục họa tiết da thú sang trọng và thanh lịch. Với sự trợ giúp của các siêu mẫu Naomi Campbell, Christy Turlington và Linda Evangelista, thứ họa tiết tội đồ này một lần nữa trở lại với hào quang.
Sàn diễn Alaïa Thu Đông 1991. Ảnh: Conde Nast Archives
Những người thường xuyên diện trang phục in họa tiết da báo ngày nay có thể kể đến nữ ca sỹ Beyoncé, hay cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michele Obama. Họ sử dụng thứ họa tiết này để chứng tỏ quyền lực của phái nữ.
“Dưới tất cả những hình thái của nó – sang trọng, thanh lịch, nổi loạn, gợi cảm – họa tiết da báo đốm luôn gây ấn tượng. Người phụ nữ mặc họa tiết này đang dõng dạc tuyên bố: Hãy nhìn tôi đi.”
Ảnh: Instagram @salimhwg
Trong tiếng Việt, các họ mèo lớn có vân lốm đốm đều được gọi chung là báo đốm. Nhưng ở tiếng Anh, chúng được phân biệt rõ là: báo đốm châu Phi (cheetah), báo đốm châu Mỹ (jaguar), và báo hoa mai (leopard).
Vân trên làn da của chúng cũng có điểm khác nhau. Đốm trên báo hoa mai được gọi là rosette, vì trông giống như hoa hồng. Báo đốm châu Phi thì có đốm đen tròn. Còn báo đốm châu Mỹ thì có vân rosette, ở trung tâm điểm một hoặc nhiều chấm đen nhỏ khác.
Trích dẫn CNN, Racked, Ohio State University
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam