Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng hiện mới chỉ chiếm 2,7% tổng nhu cầu nhập khẩu tại Nhật Bản.
Như hàng dệt may, kim ngạch nhập khẩu khoảng 28 tỷ USD vào năm 2019, chỉ chiếm 13,2% tổng nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản. Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc chiếm 55% thị phần, tiếp theo là Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Ý, mỗi nước chiếm thị phần dưới 10%.
Sản phẩmViệt Nam có dư địa tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản
Hay nhóm hàng da giày, kim ngạch nhập khẩu của Nhật lên tới 5,3 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chiếm 18,5%. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Indonesia, Ý và Campuchia.
Trên thị trường Nhật, các sản phẩm của Việt Nam có lợi thế từ các FTA song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản. Đặc biệt, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam, nhưng vẫn đang phải nộp thuế nhập khẩu vào Nhật Bản cao hơn như với da giày, dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông thuỷ sản. “Đây là lợi thế không nhỏ để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, nếu chúng ta tiếp tục khai thác dư địa Thị trường Nhật Bản”, đại diện Vụ thị trường châu Á, châu Phi khẳng định.
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), "Nhật Bản là nền kinh tế phát triển hàng đầu, thu nhập cao nên ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thị trường này ngày càng chú trọng hơn tới sự thân thiện với môi trường, an toàn, mẫu mã phong phú, đa dạng hoá sản phẩm".
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, để xuất khẩu ổn định với giá trị gia tăng xứng đáng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực thâm nhập, khai thác hệ thống phân phối tại thị trường này, nhất là các mặt hàng nông thuỷ sản dệt may, da giày. Bởi theo ông Minh, hiện nay việc tiếp xúc các kênh phân phối tại Nhật còn hạn chế do hệ thống bán lẻ ở nước này đặt ra tiêu chuẩn mua hàng rất cao và khắt khe, khiến doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được hoặc không mặn mà trong việc đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Hệ thống phân phối hàng hoá ở nước này chủ yếu qua các nhà bán lẻ lớn. Chúng ta cần tập trung khai thác, kết nối trực tiếp với kênh phân phối này để vừa tạo thương hiệu, vừa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam. Ông Minh gợi ý, doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường Nhật, đầu tiên hãy tham gia các hội chợ, triển lãm tại Nhật. Thông qua hội chợ, doanh nghiệp có thể tìm kiếm được đối tác mới, cũng như nắm bắt được xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm Việt Nam có lợi thế.
Nguồn: vneconomy.vn