Những chất liệu giả da này không phải làm từ nhựa, mà từ nguồn nguyên liệu thực vật
Ảnh: SAMARA, thương hiệu chuyên làm túi và ví từ chất liệu giả da vegan từ táo
Trong thời trang, da thuộc là một chất liệu quan trọng. Độ dày dặn và ấm áp của nó cần thiết cho mùa lạnh. Da thuộc cũng là chất liệu cứng cáp cho túi xách. Tuy nhiên, như Harper’s Bazaar từng viết, quá trình sản xuất da thuộc hiện đại rất độc hại. Việc chăn nuôi gia cầm lấy da cũng tiêu tốn nhiều tài nguyên môi trường. Và còn hàng tá vấn đề về quyền động vật liên quan.
Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng muốn ngừng sử dụng da thuộc thật, các thương hiệu đã tìm đến chất liệu giả da như biện pháp thay thế. Tuy nhiên, vấn đề của 99% các chất liệu giả da trên thị trường là đều làm từ dầu mỏ. Chúng không phân hủy thiên nhiên, và vì vậy là một nguồn rác thải nguy hiểm cho môi trường.
Thật may là càng ngày càng có nhiều thương hiệu hiểu về sự nguy hiểm của chất liệu giả da gốc dầu mỏ. Kết quả là sự ra đời của chất liệu da thuộc vegan mang tính chất tái chế cao. Đặc điểm chung của chúng là tận dụng những chất liệu vốn bị xem là phế thải, để biến thành một món đồ thời trang cao cấp. Sau đây là 8 chất liệu giả da thân thiện hơn với môi trường bạn nên biết.
Ví của thương hiệu 36 Chambers được làm từ vải chuối. Ảnh: 36 Chambers / Bananatex
Khác với các loại cây ăn trái khác như táo hay lê, cây chuối, một khi được thu hoạch trái, sẽ chết tự nhiên. Thân chuối cũ phải được chặt đi để mọc mới sau mỗi mùa thu hoạch.
Tuy nhiên, thân cây chuối cũng là một nguồn giàu chất xơ tự nhiên, như bông gòn hay lanh (linen). Vì vậy, một số nhà khởi nghiệp đã suy nghĩ về cách biến nguồn chất xơ phế thải này thành vật liệu thời trang. Ví dụ như công ty Bananatex hay Green Banana Paper.
Thân chuối được nghiền nát, ép lấy xơ, sau đó được se sợi. Khi khô, chất liệu làm từ thân cây chuối cứng cỏi và dẻo dai, không bị hư hại vì thấm nước. Chất liệu giả da làm từ thân chuối thực chất gần hơn với một tờ bìa cứng thay vì da thuộc truyền thống. Vì vậy, đôi khi nó sẽ được tráng với sáp ong để tạo bề mặt mịn mô hỏng da thuộc.
Giày thể thao BOSS làm từ chất liệu giả da Piñatex. Ảnh: Hugo Boss
Lá dứa là một loại phế thải thực phẩm không mang lại nguồn thu nhập cho nông dân Philippines… cho đến khi tiến sỹ Carmen Hijosa tìm ra cách biến nó thành chất liệu giả da. Bà lấy ý tưởng tạo nên chất liệu giả da khi thấy người dân Philippines mặc áo dệt nên từ sợi lá dứa.
Chất liệu Piñatex mềm, mượt, dẻo, gần như tương đồng với da thuộc truyền thống chứ không cứng quèo như một số loại chất liệu giả da thiên nhiên khác. Có lẽ vì Piñatex không chỉ sử dụng mỗi xơ thực vật thiên nhiên. Mà nó được làm từ lá dứa pha với nhựa resin tổng hợp và polylactic acid (PLA). Hai chất liệu tổng hợp này mang lại vẻ mềm mại cho Piñatex.
Theo lời nhà sản xuất, polylactic acid là chất liệu “xanh” vì được khai thác từ nguồn năng lượng tái tạo. Thực chất nó không thể phân hủy tự nhiên, mà phải được xử lý trong nhà máy chuyên phân hủy công nghiệp. Vì vậy, Piñatex chưa hẳn là loại chất liệu giả da tốt nhất cho môi trường. Nhưng dù sao, nó cũng là một bước tiến bền vững hơn đến một tương lai không có nhựa tổng hợp trong thời trang.
Trên: Sản phẩm của SAMARA. Dưới: Ví giả da của Frumat
Trong ngành công nghiệp nước ép trái cây, thứ luôn bị bỏ đi chính là chất xơ trong táo. Thay vì vứt nó đi, sao không dùng vật liệu này làm chất liệu giả da? Đây là suy nghĩ của một loạt thương hiệu như The Apple Girl, SAMARA, hay Frumat.
SAMARA đến từ Canada, và Frumat đến từ Ý, thì làm nên chất liệu giả da chứa 50% xơ táo nghiền và 50% nhựa tổng hợp. Tương tự như Piñatex, chất liệu da thuộc vegan này mềm và trông không khác gì da thật.
Còn The Apple Girl lại khác. Thương hiệu đến từ Đan Mạch này chỉ sử dụng 100% xơ táo để làm sản phẩm. Vì vậy, chất liệu của The Apple Girl sẽ hoàn toàn phân hủy thiên nhiên. Tuy nhiên, nhà sáng lập Hannah Michaud cho biết vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Chưa có thông tin chính xác khi nào sản phẩm của The Apple Girl sẽ được tung ra thị trường.
Bên trong chiếc xe Bentley EXP 100 GT kỷ niệm 100 năm tuổi của hãng. Nệm xe được bọc với da thuộc vegan làm từ bã nho của Vegea. Ảnh: Bentley
Nếu trong ngành công nghiệp nước ép táo có phụ phẩm là vỏ và xơ táo; thì trong ngành rượu vang, phụ phẩm hẳn là bã nho sau khi được ép lấy nước. Công ty Vegea đến từ Ý, vốn nổi tiếng là đi đầu trong chế tác chất liệu xanh, đã bắt tay với nhiều nhà vườn và hãng làm rượu nho ở Ý để chế tác nên da thuộc vegan bằng bã nho.
Chất liệu giả da thân thiện với môi trường này đã được hàng loạt các công ty thời trang để mắt tới. Gần đây, Vegea đã cung cấp sản phẩm của mình cho H&M, & Other Stories, và thậm chí là thương hiệu Serapian cao cấp của tập đoàn Richemont (sở hữu Cartier, Piaget). Năm 2019, thương hiệu xe hơi xa xỉ Bentley đã chọn chất liệu da thuộc vegan này để bọc nệm mẫu xe kỷ niệm 100 năm tuổi của hãng.
Trái: Chất liệu MuSkin. Phải: Túi Falabella của Stella McCartney làm từ Mylo.
Nấm là một món quà quý từ thiên nhiên, khi có thể được sử dụng cho vô vàn mục đích. Vốn, nấm là món ăn chay thay thế thịt rất tốt khi có thể mô phỏng cả kết cấu của thịt lẫn hàm lượng protein. Vì vậy, nhiều công ty đã nghĩ đến chuyện dùng nấm thay thế cho da thuộc.
Hiện tại, thị trường đang có hai công ty theo đuổi chất liệu da thuộc vegan này. Đơn cử là Life Materials với MuSkin. Chất liệu MuSkin có bề mặt tương tự với da lộn. Tuy nhiên nó khá mềm và dễ bị xé, nên nhà sản xuất đề nghị củng cố nó bằng cách dán vào lớp nền vải cotton, lyocell hay bìa cứng, và bảo vệ bề mặt với sáp dầu carnauba.
Ngoài ra còn có Bolt Threads đến từ California, Mỹ. Đây là phòng lab từng sáng chế ra sợi lụa nhện trong phòng thí nghiệm, được nhà thiết kế Stella McCartney ủng hộ và bảo trợ. Chất liệu giả da của họ được gọi là Mylo, làm nên từ gốc nấm mycelium.
Có thể thấy, cả hai chất liệu giả da làm từ nấm đều không dùng đến nhựa tổng hợp để sản xuất. Vì vậy, chúng 100% có thể phân hủy tự nhiên.
Ảnh: Malai
Harper’s Bazaar xin đính chính: Chất liệu giả da này không phải được làm từ nước dừa. Mà nó được sản sinh từ loại cellulose vi khuẩn (bacterial cellulose) được nuôi dưỡng bằng nước dừa.
Trong thiên nhiên có nhiều loại vi khuẩn có thể sản sinh sợi xơ cellulose. Đây là một loại vật liệu composite có thể thay thế nhựa và có khả năng phân hủy sinh học. Để nuôi dưỡng loại vi khuẩn này có nhiều cách. Và nước dừa là một lựa chọn ưu việt.
Công ty khởi nghiệp tìm ra phương pháp này là Malai đến từ Ấn Độ. Hai nhà sáng lập Malai, Zuzana Gombosova và Susmith Suseelan, vốn không dự kiến tìm ra một chất liệu mới. Mục đích ban đầu của họ là tìm cách tái sử dụng nước dừa, vốn là thứ phụ phẩm bị bỏ đi khi nông dân Ấn Độ khai thác cơm dừa.
Malai có thể được xem là lựa chọn thay thế hoàn mỹ cho da thuộc truyền thống. Chất liệu mềm dẻo tương tự. Sử dụng một nguồn phụ phẩm có thể gây ô nhiễm đất nông nghiệp (chính là nước dừa). Không tốn nước sạch hay nhiều năng lượng để sản xuất. Không sử dụng chất hóa học nguy hiểm. Và có thể phân hủy thiên nhiên.
Ảnh: Desserto
Công ty khởi nghiệp Desserto đến từ Mexico có hai mong muốn khi sáng chế ra chất liệu giả da này: Vừa tìm ra một sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa giúp gầy dựng lại hệ sinh thái xương rồng của Mexico.
Hai nhà sáng lập Desserto, Adrián López Velarde và Marte Cázarez, đã mất hai năm để nghiên cứu và phát triển chất liệu làm từ loài xương rồng nopal khổng lồ của Mexico. Loài xương rồng này mọc nhanh, không tiêu tốn nhiều nước, không cần phun hóa chất trừ sâu.
Đồng thời, họ cũng tạo nên một trang trại mô phỏng thiên nhiên Mexico. Tại đây, họ chuyên trồng các loại xương rồng địa phương, nơi các loài thú hoang có thể đến làm tổ và ẩn náu. Có thể nói, Desserto là minh chứng rằng thời trang có thể thực sự hữu cơ và thân thiện với thiên nhiên.
Ảnh: Giày thể thao của nat-2. Vỏ ngoài bằng chất liệu giả da bằng nhựa tái chế và cà phê. Lót giày bằng bần thấm hút tốt. Ảnh: nat-2
Những chất liệu vegan ở trên đang cố gắng không dùng đến nhựa, để sản phẩm có thể phân hủy thiên nhiên. Còn thương hiệu nat-2 đến từ Đức thì khác. Họ mong muốn làm nên sản phẩm có thể sử dụng bớt những loại chai nhựa đang gây ô nhiễm nguồn nước.
Với chai nhựa tái chế và bã cà phê, họ tạo nên một chất liệu giả da có bề mặt tương tự da lộn (suede). Nguyên liệu cà phê còn mang lại một mùi thơm tự nhiên cho sản phẩm. Vâng, bạn có thể cảm nhận được hương cà phê thoang thoảng từ đôi giày của mình.
Những ví dụ này không phải là tất cả. Thị trường đang ngày càng nhiều các công ty tìm ra giải pháp thay thế cho da thuộc gây ô nhiễm, và chất liệu giả da từ nhựa cũng hủy hoại thiên nhiên không kém. Công nghệ mới khiến các sản phẩm này tốt, bền và vẫn đẹp như thật.
Hiện tại, do là sản phẩm mới và sản xuất ở số lượng nhỏ, nên giá thành của chúng còn cao. Cũng còn khá khó khăn cho người tiêu dùng để tìm mua những sản phẩm này. Nhưng Harper’s Bazaar tin rằng, người tiêu dùng phải tiếp tục đòi hỏi sự đổi mới. Để các thương hiệu mạnh tay ủng hộ những công nghệ mới này, tăng cường sản xuất với chất liệu giả da thân thiện với môi trường, và mang lại những thay đổi triệt để cho ngành công nghiệp thời trang.
Harper’s Bazaar Việt Nam