Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022
  • 01/04/2021

Bộ Lao động-TB&XH (MOLISA) cho biết, từ ngày 1/4 tới, cơ quan này sẽ tiến hành khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022.

 

Trong đó, 3 tỉnh có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với số lượng 150 doanh nghiệp/thành phố.

 

Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động; tình hình lao động, tiền lương của doanh nghiệp; ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2022. Việc điều tra sẽ được thực hiện từ ngày 1/4 và kéo dài trong 60 ngày.

 

Điều chỉnh lương tối thiểu vùng gây khó cho doanh nghiệp

Cũng liên quan tới tiền lương tối thiểu, trong dự thảo Báo cáo Chính phủ về tiền lương tối thiểu trong năm 2021 đang được lấy ý kiến, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định lựa chọn phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

 

Đồng tình với quan điểm này, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cho biết, thời điểm hiện nay, "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp đang ở mức kém lạc quan nhất và rất mong manh, do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là không phù hợp.

 

Đặc biệt, theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, với dự báo CPI năm 2020 tăng 4% thì mức lương tối thiểu hiện hành đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%. Thực tế CPI năm 2020 chỉ tăng 3,23% nên mức lương tối thiểu còn cao hơn mức sống tối thiểu tới 2,28%.

 

Không thể lấy thời điểm tăng lương từ 1/7

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng vào đầu năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ từ năm 2022 điều chỉnh thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 hằng năm thay vì ngày 1/1 như hiện nay. 

 

Các Hiệp hội doanh nghiệp và Bộ LĐTB&XH tiếp tục “bác” đề xuất này:“Nếu chuyển thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang 1/7, khi đó doanh nghiệp và người lao động, tổ chức đại điện người lao động có thể phải nhiều lần thương lượng để thay đổi chính sách. Điều đó dễ dẫn đến phát sinh những bất đồng, ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp…”, Bộ LĐ-TB&XH phân tích thêm. 

 

Các doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính (ngày 1/1) như thời gian vừa qua để phù hợp với kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Ngoài ra, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào ngày 1/1 thì các doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động cũng đồng thời tiến hành thương lượng để điều chỉnh các chính sách lương, thưởng và xác lập các điều kiện lao động mới.

Nguồn: enternews.vn

Tin tức liên quan