Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Nhiều thách thức cho ngành da giày
  • 05/11/2020

Phát triển chưa đồng đều

Đến thời điểm hiện tại, riêng sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được XK tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 50 nước có kim ngạch XK hơn 1 triệu USD. Ngành da giày Việt Nam đang giữ vị trí thứ hai trên thế giới về XK, chỉ đứng sau Trung Quốc. Riêng sáu tháng năm 2019, kim ngạch XK ngành da giày đã đạt hơn 10,33 tỷ USD. Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường trong nước cũng có nhiều tiềm năng khi nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng với bình quân gần hai đôi/người/năm. Nhiều thương hiệu giày Việt đã tạo được sức hút trên thị trường như VINA Giày, Biti’s, T&T…

Trong 10 năm trở lại đây, sản xuất giày dép tại Việt Nam tăng trưởng và thay đổi mạnh về cơ cấu sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Theo đó, giày dép da tăng 67%, giày vải tăng 38,6%, giày thể thao tăng 182,6%. Với khoảng 95% sản lượng giày dép sản xuất dành cho XK, hầu hết các thương hiệu giày quốc tế lớn như: Nike, Adidas, Puma, Reebok, New Balance, Clarks… đều đặt hàng gia công tại Việt Nam. Ngành da giày đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan tâm là những kết quả đạt được lại chủ yếu đến từ các doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các tập đoàn đa quốc gia. Các DN này tuy chiếm tỷ trọng nhỏ về số lượng (chỉ hơn 20%) nhưng đóng góp gần 80% kim ngạch XK toàn ngành. Số lượng nhiều (hơn 70%) nhưng các DN da giày trong nước thuộc dạng vừa và nhỏ, có số lao động dưới 300 người; số DN từ 1.000 người trở lên chỉ chiếm 6%. DN FDI chiếm 23% nhưng sử dụng đến 60% số lao động. Trong khi đó, DN Việt Nam chiếm đến 77% nhưng chỉ sử dụng 40% lao động. Quy mô nhỏ, năng suất không cao nên hiệu quả sản xuất, mức lương của DN Việt Nam nhìn chung thấp hơn so doanh nghiệp FDI nên khó thu hút người có tay nghề.

Bên cạnh đó, ngành da giày Việt Nam còn đang đứng trước nhiều thách thức khi vẫn phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu (NPL) nhập khẩu, đặc biệt với mặt hàng cao cấp. Do chủ yếu sản xuất theo phương thức gia công (khách hàng cung cấp NPL) nên các DN da giày Việt Nam chưa thật sự chủ động trong việc tìm kiếm nguồn NPL trong nước để thay thế. Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể và thiết thực khuyến khích sản xuất NPL để phục vụ sản xuất XK. Chúng ta chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ ngành da giày. Việc này cần nguồn vốn đầu tư rất lớn nên từng DN sẽ không kham nổi khi đầu tư riêng lẻ.

Tổng số các DN sản xuất NPL cập nhật đến hết năm 2018 tại nước ta là 129 DN, con số khá thấp so nhu cầu thực tế. Năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu da thuộc các loại đạt 1,63 tỷ USD, lớn nhất là từ Trung Quốc (325 triệu USD), Italia (244 triệu USD), Thái-lan (232 triệu USD), Hàn Quốc (161 triệu USD,... Số liệu từ Hiệp hội da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy, hiện nay ngành da giày chỉ mới chủ động được hơn 70% NPL cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá. “NPL trong nước chưa thật sự phát triển và vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Chúng ta thiếu quy hoạch về phát triển ngành theo cụm liên kết và các chuỗi giá trị. Chúng ta cũng chưa phát triển được những thương hiệu mạnh, chưa có các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho ngành”, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC - Cục Công nghiệp, Bộ Công thương trăn trở.

Vượt qua thách thức, đón đầu cơ hội

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, điều thuận lợi cơ bản nhất của ngành da giày Việt Nam là hơn 98% số DN đạt chuẩn. Vấn đề là phải tận dụng được những nguồn lực sẵn có và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để nâng tầm thương hiệu Việt, chuyển từ cạnh tranh giá thấp sang cạnh tranh sản phẩm trung và cao cấp. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường hàm lượng chất xám vào sản xuất giày dép, túi xách cần triển khai sớm. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế nên cần có những đột phá. “Công nghiệp hỗ trợ của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ. Chúng ta có rất ít những DN về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn, phần chính là DN nhỏ. Do vậy, sản phẩm chủ yếu vẫn ở cấp thấp và chất lượng chưa cao. Chúng ta cần giá trị XK cao hơn nhưng không phải bằng số lượng. Đáng mừng là hiện nay nhiều DN đã đầu tư vào dòng sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, đó vẫn là DN có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Diệp Thành Kiệt phân tích.

Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới từ khi gia nhập ASEAN năm 1996. Đến nay chúng ta đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương. Trong đó có EVFTA đang chờ được thông qua và đang đàm phán ba hiệp định mới. Việc ký kết hai hiệp định thương mại quốc tế này tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng thế mạnh, tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường lớn. Thực tế cho thấy, các nước CPTPP và EU chiếm khoảng 50% thị phần thế giới về dệt may, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào hai khu vực này hiện vẫn còn quá thấp so với tiềm năng. Ở thị trường EU, trong số các nước ngoài EU, xuất khẩu các mặt hàng da giày của Việt Nam đứng thứ hai, chiếm khoảng 10% thị phần. Tại Canada, Việt Nam mới xuất khẩu vào thị trường này hơn 600 triệu USD hàng giày dép, túi xách, chiếm 14% thị phần. Hàng giày dép của Việt Nam đang phải chịu mức thuế khá cao tại các thị trường này. Do đó, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn, các mặt hàng da giày của Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn với thuế suất 0%. CPTPP, EVFTA cũng là yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành da giày tại Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng được cắt giảm thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Lợi thế lớn, cơ hội nhiều nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt trước khi “gõ cửa” các thị trường nói trên vì cơ hội không chỉ mở ra cho Việt Nam mà cho tất cả các nhà đầu tư vào nước ta trong lĩnh vực này. Theo đó, những DN nước ngoài mạnh về vốn, am hiểu thị trường và giàu kinh nghiệm sẽ đủ sức lấn át DN trong nước. Đây là yếu tố không thể chủ quan. Khi thị trường mở cửa theo các hiệp định mới còn đòi hỏi DN trong nước phải thay đổi toàn diện, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến lao động, môi trường, yếu tố này đang bị nhiều DN chưa quan tâm đầy đủ. Điều đáng lưu ý là, để được hưởng mức thuế 0% vào các nước thành viên CPTPP và EU, các mặt hàng dệt may, da giày phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Nếu không đạt các tiêu chuẩn khắt khe đó, rất có thể hàng hóa Việt Nam phải chịu mức thuế cao nhất. Yêu cầu này buộc các DN phải cẩn trọng trong từng khâu để sản phẩm trước khi XK không chỉ đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng mà còn vượt qua các bộ đánh giá của thị trường nước ngoài. Thách thức cho thị trường trong nước cũng không hề nhỏ vì các thương hiệu đồng loạt xuất hiện để tranh thị phần với mức tiêu thụ có thể đạt 150 triệu USD/năm.

Cơ hội luôn đi cùng thách thức, do vậy, theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công thương, chỉ cần có hướng đi đúng đắn, ngành da giày Việt Nam sẽ tạo được bước ngoặt lớn trong tương lai gần: “Trong giai đoạn tới để duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện vị trí, ngành da giày Việt Nam đứng trước nhiều thách thức tương đối lớn như mức lương cho người lao động tăng cao, những yêu cầu đổi mới từ cách mạng công nghiệp 4.0, bất ổn kinh tế… Chúng ta phải duy trì và phát huy những mặt làm tốt. Trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành các chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành da giày, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao giá trị tạo ra trong nước và tìm cách giữ chân nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”.

Tin tức liên quan