Bà đánh giá như thế nào về năng suất lao động (NSLĐ) của ngành da giầy Việt Nam . So với các nước trong khu vực cũng như thế giới thì Việt Nam đang ở mức nào, thưa bà?
- Ngành công nghiệp da giầy Việt Nam có tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu (XK), tốc độ của ngành trung bình 10 - 15%. Tuy nhiên, nhìn sâu vào yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh da giày là NSLĐ, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về XK, sau Trung Quốc. Cơ hội FTA sắp tới, Việt Nam được đánh giá là điểm nhấn sau Trung Quốc để có thể tiếp nhận các đơn hàng, nhưng chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu này, nguyên nhân là do NSLĐ. Bởi nếu chúng ta có lợi thế giá nhân công nhưng chi phí đầu vào liên tục tăng, trong khi giá thành phẩm không tăng, thậm chí còn giảm thì yếu tố NSLĐ chính là rào cản làm cho ngành da giầy chưa tăng tốc.
Đơn cử đối với DN sản xuất giầy, năng suất được tính dựa trên đôi giầy người công nhân có thể sản xuất trong ngày, trung bình mỗi người sản xuất 3 - 4 đôi/ngày, trong khi các DN Trung Quốc dù giá nhân công cao nhưng họ lại sản xuất 7 - 8 đôi/người/ngày. Đó là khoảng cách lớn, mặc dù giá nhân công tốt hơn nhưng NSLĐ của Việt Nam thấp nên sự cạnh tranh tiếp nhận đơn hàng có sự hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, về tay nghề người lao động còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông cũng ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng sản phẩm.
Đấy có phải là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của ngành da giầy Việt Nam trong năm 2016 chưa đạt được kỳ vọng, thưa bà?
- Ngoài NSLĐ thấp, còn do yếu tố suy giảm của các thị trường XK như EU, nhất là Anh suy giảm đáng kể ảnh hưởng đến kim ngạch XK cả ngành. Kế hoạch 2016 tốc độ tăng 10%, đạt hơn 16 tỷ USD, tính đến hết tháng 11 mới đạt 8%, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng chắc chắn DN phải nỗ lực nhiều để thúc đẩy đơn hàng đạt kế hoạch đặt ra.
Bên cạnh đó, thiết kế cũng là khâu quan trọng. Nếu DN thiếu chủ động trong khâu thiết kế sản phẩm thì không thể nâng cao giá trị gia tăng, bởi mẫu sản phẩm tiếp cận trực tiếp khách hàng, tiếp cận khách hàng ngay tại thị trường. Ngoài ra, đổi mới sáng tạo bị đánh giá thiếu và yếu xuất phát từ thực tế thiếu năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành da giầy, dẫn đến thiếu đội ngũ thiết kế sáng tạo sản phẩm, cũng như thiếu vùng nguyên liệu để nhà sáng tạo có đất phát triển… Với điểm yếu như vậy cần khắc phục thời gian tới mới tạo phát triển bền vững.
Nâng cao năng lực nội tại
Nhiều khả năng Mỹ không tham gia vào TPP, theo bà điều đó có ảnh hưởng gì đến XK của ngành?
- Từ trước đến nay, Việt Nam luôn có vị thế tốt, đứng thứ 2 về XK, đứng thứ 3 về sản xuất. Nếu TPP thành hiện thực sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành da giầy, giúp tăng năng lực cạnh tranh. Còn nếu TPP không có thì chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội. Chẳng hạn, với dân số 300 triệu dân, thị trường EU vẫn là một thị trường chủ lực; Hiệp định Á - Âu là cánh cửa lớn khi kim ngạch XK vào Nga gần 70 triệu USD, dung lượng phát triển là hoàn toàn có khả năng… Do đó, đừng quá thất vọng, cơ hội cho ngành da giầy còn nhiều bởi lợi thế ngành vẫn là điểm chính nếu biết tận dụng cơ hội. Đặc biệt, dự kiến Hiệp định Việt Nam - EU đến năm 2018 thực thi, do đó 2017 là năm chuẩn bị cho hiệp định, tôi tin rằng đối tác nhập khẩu tập trung và kỳ vọng vào XK của Việt Nam. Bởi vậy, trọng tâm chính của DN là nâng cao năng lực nội tại, cần chủ động chuẩn bị nhân lực, tài chính, nâng cao NSLĐ, đảm bảo môi trường… để đáp ứng nhu cầu phát triển. DN muốn đón nhận cơ hội phải có năng lực tốt.
Giải pháp nào để tăng sức cạnh tranh, kéo theo XK tăng, thưa bà?
- Quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng người lao động, ứng dụng KHCN vào sản xuất, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, học hỏi các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp. Nếu áp dụng được mô hình, phương pháp quản lý đó thì tăng trưởng ngành da giầy sẽ đạt gấp 1,5 - 2 lần so với mức hiện nay... Muốn vậy phải tăng cường sự liên kết giữa DN để tiếp cận mô hình quản lý tốt mà các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang áp dụng thành công. Thực tế, thời gian qua để đón cơ hội, nhiều DN trong ngành đã có sự chủ động chuẩn bị. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành da giầy để đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành dựa trên các thế mạnh của tỉnh, vùng là giải pháp cần tính tới.
Đặc biệt, DN cần hỗ trợ từ Chính phủ tạo cơ chế, chính sách để có nguồn lực tốt, tạo chuỗi liên kết, tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích rủi ro khi ra biển lớn gặp phải…
Xin cảm ơn bà!
Hầu hết các DN của Việt Nam đều hạn chế về công nghệ so với các nước trong khu vực và phụ thuộc vào máy móc, thiết bị nước ngoài. Cùng đó là khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp… Do đó, cần tạo môi trường cho DN phát triển về quy mô để từ đó nâng cao năng suất của toàn ngành; Tiếp tục tái cơ cấu và cổ phần hóa DN Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích phát triển khoa học công nghệ…