Trung Quốc là thị trường NK khá lớn của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10-2016, một số sản phẩm có lượng hàng XK lớn sang Trung Quốc như hàng nông sản với 2,1 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ với 802 triệu USD, hàng thủy sản với 540 triệu USD… Khi tỷ giá đồng NDT bị mất giá, các DN đều lo lắng sản lượng như trên sẽ bị giảm sút.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do phía đối tác Trung Quốc sẽ đề nghị giảm giá bán theo mức mất giá của đồng NDT. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh XK, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ đỏ (DN XK gạo), do XK chính ngạch nên hợp đồng thanh toán bằng USD, song hiện đồng NDT đang ở xuống giá hơn 1% so với đồng USD, nên phía đối tác sẽ yêu cầu giảm giá mua vào để bù đắp chi phí cho họ. Vì thế, ông Ngọc cho hay, phía Trung Quốc đã yêu cầu DN phải giảm giá xuống 1% so với thỏa thuận trước đây. Tuy nhiên, do chỉ XK sang Trung Quốc khoảng 3-4 nghìn tấn gạo/năm nên việc giảm giá này không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu của DN.
Cũng tương tự, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết, cuối năm là mùa cao điểm XNK hàng hóa với Trung Quốc nên đây là cơ hội tăng giá với các DN Việt Nam. Với diễn biến đồng NDT tiếp tục giảm giá sâu thì không những DN không có cơ hội tăng giá bán mà còn bị phía đối tác ép giá.
Điều đáng nói là Trung Quốc hiện đang áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng từ 13-17% đối với hàng NK. Do đó, điều này càng khiến các DN lo ngại về sự giảm sút số lượng XK so với trước. Bởi với những tác động như trên, hàng hóa NK từ Việt Nam vào nước này càng tăng giá so với sản phẩm trong nước và so với các sản phẩm NK từ nước khác. Đại diện DN XK gạo Cờ Đỏ cho hay, phía đối tác đã giảm khoảng 10% sản lượng hàng NK do lo ngại đồng NDT tiếp tục giảm giá sâu hơn, họ phải tìm cách chuyển sang nguồn hàng rẻ hơn.
Từ những lo ngại trên, nhiều DN cho biết đã và đang mở rộng tìm kiếm các thị trường mới, tránh lệ thuộc vào thị trường đầy biến động như Trung Quốc. Ông Trần Ngọc Hiệp cho biết, một vài năm trở lại đây, DN chú trọng XK thanh long sang Nhật Bản hay thị trường các nước châu Âu, tuy chi phí vận chuyển, chi phí chiếu xạ cao và yêu cầu chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, nhưng giá trị gia tăng hàng hóa lại cao hơn nhiều so với XK sang Trung Quốc. Do đó, DN đang cải tiến công nghệ nuôi trồng để đẩy mạnh hơn nữa lượng hàng XK sang các thị trường trên.
Lo mất thị trường
Mặc dù những năm qua, các DN đã chú trọng đến việc mở rộng thị trường, nhưng vẫn không tránh khỏi việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Việt Nam mới đáp ứng được 30% nhu cầu nguyên phụ liệu trong nước, còn lại phải đi NK, trong đó phần lớn từ Trung Quốc. Như vậy, với việc tỷ giá NDT mất giá, các DN sản xuất có NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có thể hưởng lợi do giá rẻ.
Đại diện Công ty TNHH da giày Phong Châu chia sẻ, Công ty luôn cố gắng duy trì ở mức 70% nguyên phụ liệu nội địa, 30% là hàng NK, nhưng cũng đang giảm dần lượng nguyên phụ liệu NK từ Trung Quốc mà chuyển sang các thị trường giá rẻ khác như Ấn Độ, Hàn Quốc… thậm chí là châu Mỹ. Hiện đồng NDT có nhiều biến động nên việc giảm lệ thuộc sẽ giúp DN không chịu nhiều ảnh hưởng dù tỷ giá NDT tăng hay giảm.
Nhưng trái ngược với việc hưởng lợi từ NK nguyên phụ liệu, không ít mặt hàng đang lo mất thị trường khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào. Theo thống kê, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ Trung Quốc, việc phá giá NDT sẽ càng làm cán cân thương mại bị ảnh hưởng. Tiêu biểu như ngành thép với gần 60% sản lượng NK thép đến từ Trung Quốc, thời gian qua, các DN thép đã phải chịu sức ép cạnh tranh lớn từ hàng Trung Quốc giá rẻ. Với việc giảm giá NDT lần này, khó khăn của các DN thép nội sẽ lại càng thêm khó.
Không chỉ riêng ngành thép, mà nhiều lĩnh vực khác cũng phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh từ hàng Trung Quốc. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc NDT giảm giá, việc Ngân hàng Nhà nước giữ tỷ giá USD ở mức cao những ngày gần đây là một trong những động lực hỗ trợ hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với những biến động khó lường của kinh tế thế giới, các cơ quan chức năng vẫn phải theo dõi và có những điều tiết hợp lý, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN.